Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Nhà báo Philippines và Nga được Nobel Hòa bình, nhấn mạnh tự do

Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì cuộc chiến giành quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.
nobel peace prize 1
Maria Ressa và Dmitry Muratov. REUTERS/GETTY

Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Bà Ressa và ông Muratov nhận Giải thưởng Hòa bình vì "đã dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga".

Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Họ là đại diện của tất cả các nhà báo đứng lên bảo vệ lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi."

Theo Ủy ban, Maria Ressa, sinh năm 1963, sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực và chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở quê hương Philippines.

Năm 2012, bà đồng sáng lập Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số dành cho lĩnh vực báo chí điều tra.

Là một nhà báo và là Giám đốc điều hành của Rappler, Ressa đã là một người bảo vệ quyền tự do ngôn luận không sợ hãi.

Rappler đã tập trung sự chú ý chỉ trích vào chiến dịch chống ma túy giết người, gây tranh cãi của chế độ Duterte.
 
-
Alfred Nobel. GETTY IMAGES

Còn tại Nga, Dmitry Andreyevich Muratov, sinh năm 1961, trong nhiều thập kỷ đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong những điều kiện ngày càng thách thức.

Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta.

Kể từ năm 1995, ông đã giữ chức vụ tổng biên tập của tờ báo trong 24 năm.
 
-
Maria Ressa và Dmitry Muratov. GETTY IMAGES

Novaja Gazeta là tờ báo độc lập nhất ở Nga hiện nay, với quan điểm cơ bản là phê phán quyền lực, theo Ủy ban Nobel Na Uy.

Kể từ khi thành lập vào năm 1993, Novaja Gazeta đã chỉ trích tham nhũng, bạo lực của cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật, gian lận bầu cử...

Kể từ khi tờ báo ra đời, sáu nhà báo của tờ báo đã thiệt mạng, bao gồm cả Anna Politkovskaja, người đã viết các bài báo tiết lộ về cuộc chiến ở Chechnya.
 
-

Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ khó có thể thúc đẩy thành công tình huynh đệ giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại của chúng ta. Do đó, việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay được gắn với các quy định trong di chúc của Alfred Nobel."

Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo, Na Uy đã công bố giải thưởng này.

Giải thưởng năm ngoái thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới vì những nỗ lực chống lại nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-58843017

Nguồn tin: BBCVietnamese

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây