Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Hành trình phi thường của thầy giáo Ấn Độ đoạt giải Giáo viên toàn cầu 2020

Thầy giáo Ấn Độ Ranjitsinh Disale (32 tuổi) vượt qua hơn 12.000 ứng viên từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, chính thức nhận giải thưởng "Giáo viên toàn cầu" (Global Teacher Prize) năm 2020.
Đây được xem là giải "Nobel giáo dục", được quỹ từ thiện Varkey Foundation triển khai 6 năm qua. Hành trình phi thường tạo ra một cuộc "cách mạng" thay đổi môi trường giáo dục ở một địa phương nghèo tại Ấn Độ chắc hẳn sẽ để lại cảm xúc trong lòng nhiều người.
 
ranjitsinh disale
Thầy giáo Ranjitsinh, người nhận Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2020.

Năm 2009, thầy giáo trẻ 21 tuổi Ranjitsinh Disale bắt đầu giảng dạy tại Trường tiểu học Zilla Parishad, nằm sâu trong ngôi làng Paritewadi, thành phố Solapur, bang Maharashtra, Ấn Độ.

Trước mắt Ranjitsinh là ngôi trường xập xệ, cũ nát, nằm giữa một nhà kho và chuồng gia súc. Bên trong các lớp học, trẻ em gái vắng bóng.
 
-
Khung cảnh xập xệ của trường tiểu học Zilla Parishad ngày đầu thầy Ranjitsinh đến công tác
(Ảnh cắt từ clip của Global Teacher Prizer).

Một lý do quan trọng khác là chương trình giảng dạy không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Kannada khiến nhiều học sinh không thể học được. Trước thực tế đó, thầy Ranjitsinh quyết tâm chuyển đến ở tại ngôi làng và nỗ lực tự học tiếng địa phương.

Thầy Ranjitsinh không những dịch sách giáo khoa sang tiếng mẹ đẻ của học trò mà còn mã hóa QR các bài thơ, video bài giảng, truyện và bài tập bằng tiếng Kannada để học sinh dễ học và học mọi nơi mọi lúc.

Kết quả đem lại thật "phi thường". Từ chỉ có 2% nữ sinh được đến trường, đến nay, trong làng không còn em nào kết hôn ở tuổi vị thành niên; 100% nữ sinh được đi tới trường.

Trường tiểu học Zilla Parishad vươn lên vào danh sách những trường tốt nhất thành phố Solapur, với 85% học sinh đạt điểm A trong các kỳ thi. Năm nay, làng Paritewadi có một nữ sinh tốt nghiệp đại học, điều chưa từng có tiền lệ, như một giấc mơ không tưởng trước khi Ranjitsinh đến.

Không dừng lại ở đó, thầy Ranjitsinh còn tiếp tục tạo ra một cuộc cách mạng trong việc sử dụng sách giáo khoa được mã hóa QR trên khắp Ấn Độ.

Anh thí điểm mô hình này thành công lần đầu tiên ở chính ngôi trường của mình. Sách giáo khoa mã hóa QR của Ranjitsinh sau đó đã được giới thiệu trên toàn bang cho tất cả các lớp từ 1-12.
 
-
Thầy Ranjitsinh Disale gắn kết với học trò ngoài giờ trên lớp.

Ngoài giờ học, thầy Ranjitsinh đồng hành cùng các trò của mình học cách giải quyết các vấn đề thực tế. Với ngôi trường ở một nơi bị hạn hán của Maharashtra, thầy và trò đã giải quyết thành công vấn đề sa mạc hóa, tăng diện tích phủ xanh từ 25% lên 33% trong 10 năm qua. Nhờ vậy, 250 ha đất xung quanh làng đã được cứu khỏi sa mạc hóa, giúp ngôi trường của Ranjitsinh đoạt một giải thưởng lớn vào năm 2018.
 
-
Thầy Ranjitsinh Disale và các học trò nữ.

Thầy Ranjitsinh cũng đã thực hiện "Hãy vượt qua biên giới" nhằm kết nối những người trẻ tuổi từ Ấn Độ và Pakistan, Palestine và Israel, Iraq và Iran, Mỹ và Triều Tiên mục đích giải quyết những xung đột.

Trong một chương trình kéo dài 6 tuần, học sinh được kết hợp với một người bạn đến từ quốc gia khác để chuẩn bị các bài thuyết trình và lắng nghe các diễn giả, khách mời chia sẻ.
 
-

Thầy giáo Disale cho hay đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của giáo dục đối với các cộng đồng. "Trong thời gian khó khăn này, các giáo viên đang nỗ lực hết mình để bảm bảo mỗi học sinh có thể tiếp cận một nền giáo dục tốt của họ", thầy Disale nhấn mạnh.

Thầy Disale còn nhấn mạnh tất cả giáo viên là "những người tạo ra sự thay đổi thật sự đang thay đổi cuộc đời của các học sinh" và trong tinh thần đó, thầy Disale cho hay ông chia sẻ giải thưởng nói trên của mình.

Do dịch Covid-19, năm 2020 lần đầu tiên ban tổ chức công bố trực tuyến từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) ngày 3/12 (giờ địa phương).
 
-
Từ chỉ có 2% nữ sinh được đến trường, đến nay, trong làng không còn em nào kết hôn ở
tuổi vị thành niên; 100% nữ sinh được đi tới trường.

Ngay sau khi thông báo người chiến thắng được đưa ra, thầy giáo Disale lập tức tuyên bố chia phân nửa giải thưởng trị giá 1 triệu USD cho 9 đồng nghiệp lọt top 10 chung cuộc, trong đó có một giáo viên Việt Nam (cô giáo Hà Ánh Phượng). Như vậy, mỗi giáo viên trong số 9 người đó sẽ nhận được 55.000 USD.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 6 năm của giải thưởng này, người chiến thắng đã chia tiền thưởng với những đồng nghiệp vào vòng chung cuộc.

Lệ Thu (Theo Global Teacher Prize)

Tác giả: Lệ Thu (Theo Global Teacher Prize)

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây