Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Có một thời như thế: Muôn vẻ “tình yêu” thời bao cấp

-

-

Nói đến tình yêu, có lẽ độc giả đa phần sẽ chỉ nghĩ đến tình yêu nam nữ, nhưng kỳ lạ thay, thời bao cấp có những “tình yêu” không thua gì tình yêu nam nữ, có thể khiến người ta quên ăn quên ngủ, đi ra đi vào, …
Có một thời như thế: Muôn vẻ “tình yêu” thời bao cấp
 

Cô dâu lên “xe hoa” trong phục trang thật dễ thương thời bao cấp!
 
Nói đến tình yêu, có lẽ độc giả đa phần sẽ chỉ nghĩ đến tình yêu nam nữ, nhưng kỳ lạ thay, thời bao cấp có những “tình yêu” không thua gì tình yêu nam nữ, có thể khiến người ta quên ăn quên ngủ, đi ra đi vào, đứng ngồi không yên, đêm ngủ cũng mơ về nó… Vậy đó là gì?
 
1. “Tình yêu” vật chất với “Siêu xe” hàng hiệu thời bao cấp: Favorite, Supercub, Babetta, Peugeot, Minsk
 
Một trong những “tình yêu” say đắm nhất thời bao cấp, có lẽ phải kể đến “tình yêu” với “siêu xe” của cánh mày râu và cả nữ giới thời đó. Và có lẽ cũng mãnh liệt hơn “tình yêu” với siêu xe thời bây giờ của các đại gia Việt. Tại sao vậy?
 
Quá nhiều lý do để dẫn đến trạng thái này, nhưng nổi trội nhất vẫn là “thế gian này chỉ có mình em thôi…”, sự hiếm hoi cùng cực về vật chất thời đó tạo nên sự quý giá. Một chiếc xe đạp thời những năm 70, 80 đã là cả 1 gia tài.
 
Người ta đã ví rằng, ở thời nay nếu có Maybach thì cũng không thể “quý” bằng thời đó có 1 chiếc Favorite, một chiếc Mipha gửi từ Tiệp Khắc về.
 
Xe đạp thời ấy phải có biển số, được kiểm soát bằng giấy chứng nhận sở hữu của cơ quan chức năng.
 
Trong dân gian hình thành câu thành ngữ:
 
“Làm trai cho đáng nên trai
Có Pha vơ rít (Favorite), có đài dắt lưng”
 
Ở thời đó, người ta rất quen thuộc với cảnh một người đàn ông, có thể một ngày hơn cả chục lần lấy “siêu xe” ra lau chùi, ngắm nghía, tiến lại gần – lùi ra xa, chạm vào yên xe, chạm vào lốp (vỏ xe), tần ngần, rồi cất đi.
 

Chân dung siêu xe favorite có gióng ngang, khi chở nàng đi chơi, nàng sẽ ngồi vắt vẻo trên thanh gióng ngang này trong con mắt ganh tỵ của bao người trên phố…
“Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô”
 
Và đây là xe Peugeot cá vàng hàng hiệu lẫy lừng một thời:
 

Siêu xe Peugeot thời ấy, còn gọi là xe Lơ đã đi vào dân gian một cách rất hóm hỉnh nhưng cũng đầy thực tế: “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”.
 
Siêu xe Babetta thời ấy của những đại gia – về sau gọi hóm hỉnh là “ba bét nhè”. Ưu điểm là khi bất ngờ hết xăng giữa đường có thể đạp.
 
Simsom – xe của CHLB Đức, niềm tự hào của phái mạnh thời đó, thể hiện được đẳng cấp phái mạnh và niềm tự hào “đi Tây về”.
Những năm 80 của thời bao cấp là thời không thể quên của những chiếc Cub của hãng Honda: super Cub 50, và các đời Cub 78, 79, hay cao cấp hơn nữa là Super Cub 81 “kim vàng giọt lệ”. Những chuyên gia Việt Nam thời đó đi lao động hợp tác cật lực ở nước ngoài để cuối cùng có thể gửi về cho gia đình một chiếc xe Cub này.
 
Đến những năm 1990 thì gia đình nào sở hữu 1 chiếc cub trong nhà là cả 1 gia tài lớn.
 
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng phải thốt lên:
 
Bây giờ yêu nghĩa là vèo xe Cub
Xe đạp anh xịt lốp cả tư mùa.
 
Những năm 80 của thời bao cấp là thời không thể quên của những chiếc Cub: super Cub 50, và các đời Cub 78, 79, hay cao cấp hơn nữa là Super Cub 81 “kim vàng giọt lệ”. Và tình yêu nam nữ lại được đong đếm bằng vật chất “Trăm lời anh nói không bằng làn khói Honda”.
 
Minsk – với cách gọi dân gian là Min Khờ, cũng trở thành huyền thoại siêu xe phái mạnh thời bao cấp.
2. Tình yêu tinh thần: Say đắm diễn viên trên màn ảnh – Viết thư lên đài truyền hình xin cưới anh Dianop – phim Trên Từng Cây Số
 
Thời đó cuộc sống tinh thần cũng nghèo khó nên người người nhà nhà đều chỉ chờ đợi đến giờ phát phim trên cái tivi đen trắng là niềm vui của cả xóm. Nhân vật của các bộ phim, ở một xứ xở xa xôi đẹp đẽ, thường đi vào giấc mơ của các cô gái.
 

Dianop – nhân vật chính phim Trên từng cây số, từng làm thổn thức bao trái tim khán giả Việt.
 
Thế hệ 6x, 7x chắc không thể quên được thời của anh Dianop làm thổn thức bao trái tim cùng anh bạn Bôm Bốp trong bộ phim dài tập “Trên từng cây số”.  Độc giả Đinh Hùng Việt đã viết dòng tâm sự trong mục cộng đồng của vnexpress:
 
Tôi nhớ nhất là về phần xem vô tuyến. Quả thực những năm 78, 79 cả trong xóm tôi ở chỉ có đúng 2 nhà có tivi đen trắng… Tôi nhớ không nhầm thì thời đó cả tuần chỉ chiếu vô tuyến đúng 2 ngày thứ tư và chủ nhật vào buổi tối từ 7g đến 9g. Đúng là đến các tối đó thì vui như ngày hội. Thật sự là ngày hội các bạn ạ. Mẹ tôi dẫn tôi đi cầu thang lên nhà bác ở tầng 2 xem tivi.”
Nếu bạn nào thế hệ 6X, 7x thì không thể quên bộ phim truyền hình dài tập của Bungari là ” Trên từng cây số” với 2 nhân vật chính là Dianop va Bombop! Trời ơi Dianop thì đẹp trai, hào hoa tài giỏi như Alanh Delon của Pháp (thật sự là có rất nhiều cô gái Hà Nội gửi thư lên chị Thanh Tâm ở báo Phụ nữ Việt Nam xin được làm vợ Dianop!). Còn anh chàng Bombop thì tinh ranh, tốt bụng hềnh hệch. Họ là một đôi diễn viên tuyệt vời. Nhạc phim thì cực hay. Nội dung phim cũng hay. Thật sự nếu như bây giờ đài truyền hình Việt Nam cho chiếu lại bộ phim đó thì quá giá trị và xúc động! Nó sẽ gợi nhớ lại cho thế hệ 7x chúng tôi những cảm xúc tuyệt vời 30 năm trước..”
 
Phim Trên từng cây số:


 
 
Khóc ngất vì thanh tra Catani trong bộ phim Bạch Tuộc.
 

Thanh tra Catani trong bộ phim Bạch Tuộc.
 
Độc giả Hùng Việt chia sẻ:
 
Rồi sau đó đến năm 1987 thì loạt phim gây náo loạn Hà Nội là “Một mình chống lại Mafia” của Italy. Cả Hà Nội mê mệt vì loạt phim đó với Thanh tra Catania và cô gái Titti. Những pha gay cấn căng thẳng trong cuộc chiến chống Mafia, cái chết tức tưởi của thanh tra Catani dưới họng súng của Mafia…, không thể nào quên được
 

Nước mắt của thanh tra Catani trên màn ảnh đi vào cuộc sống của người dân Việt.
 
3. Tình yêu trong sáng của các em nhỏ: Công chúa Arabela và Maika – cô bé từ trên trời rơi xuống


 
Tình yêu của các em nhỏ thời bao cấp thì ngược lại với người lớn – tình yêu của các em trong sáng, chưa nhuốm màu của thực dụng và vật chất. Với các em, đó là thế giới thần tiên, nên có cái đẹp của Thiện, của lòng tốt, của hòa ái…
 
Ở vương quốc những câu chuyện cổ tích, nàng công chúa xinh đẹp, duyên dáng Arabela phải chạy trốn khỏi cuộc truy đuổi của tên phù thủy độc ác Rumburak từ thế giới thần tiên đến thế giới hiện đại. Trong thế giới hiện đại, Arabela gặp một anh sinh viên chăm chỉ tên là Petr Majer. Dần dần, giữa họ đã nảy nở một mối tình đẹp. Những chuyến phiêu lưu kỳ thú bằng phép thuật, một chiếc nhẫn thần kỳ xoay biến mọi thứ, một cái đĩa chứa sự thật, 1 quả cầu ước, chiếc vali biết bay cùng rất nhiều những điều thần diệu trong thế giới thần tiên. Vào thời đó, các em ai cũng mong muốn có được một chiếc nhẫn thần để xoay một cái là biến ra bao nhiêu thứ…
 
Phim Arabela và chiếc nhẫn thần kỳ (1979) – Tập 01:


 





 
Về bộ phim cô bé Maika có đôi mắt phát sáng, anh Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ trên blog của mình:
 
Nói về phim ‘Maika’ thời ấy – không chỉ có trẻ con mê mà cả người lớn cũng mê, cứ mong cho tới 7 giờ tối là cả xóm gom về nhà có tivi để theo dõi quá trình viếng thăm trái đất của cô bé Maika. Sau đó phim được phát đi phát lại nhiều lần vào mỗi dịp nghĩ hè… nhưng lần nào khán giả cũng xem say mê như mới xem lần đầu vậy!
 
Cứ mỗi lần xem lại bộ phim Maika thì hầu như ký ức tuổi thơ của tui hiện về gần như đầy đủ, đôi khi không cầm được nước mắt vì nhớ tiếc cái tuổi thơ đã qua…
 
Ngày nay nhờ sự tiến bộ củ công nghệ thông tin, tui chẳng những tìm được bộ phim Maika gốc ngày xưa, xem phim màu đàng hoàng chứ không phải hình ảnh trắng đen như ngày xưa… mà còn có thể tìm được thông tin về những diễn viên trong phim ngày xưa..”
 
Phim MaiKa, cô bé từ trên trời rơi xuống:


 
 
4. Câu chuyện ấn tượng về tỏ tình thời bao cấp: Nhà anh có tủ lạnh không?
 
Bác Lê Văn Tịnh, 65 tuổi, tâm sự trên blog của hội B2B3-C116: “Người ta cứ bảo bây giờ dân tình chạy theo đồng tiền, chứ thực ra thời bao cấp cũng vậy, nghĩa là thời nào trong xã hội này, cũng có người coi đồng tiền là trên hết. Hồi đó khốn khó, nên cái chuyện vật chất càng ngày càng quan trọng, lại càng đặt mục tiêu lấy được anh giàu, nếu không phải có chút chức sắc thì cũng phải là cánh lái xe, hay những người đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về… Hồi đó mình ngây thơ quá, trót dại mê nhan sắc một cô, rồi chuốc nhục mà về”.
 
Người bác yêu là sinh viên khoa văn. Thấy nàng đi đứng tao nhã, ăn nói dịu dàng rõ con người thanh lịch, bác Tịnh bèn dùng thế mạnh thơ phú của mình để tấn công, nghĩ mình vừa đẹp trai, lại có tài, kiểu gì nàng cũng “đổ”. Rồi thấy bài thơ nào của mình cũng nhận, đọc xong chớp chớp ra chiều cảm động lắm, ông Tịnh hy vọng tràn trề. Những bài thơ nồng cháy tình yêu ấy ông chỉ viết riêng cho nàng, ấy vậy mà sau đó nhiều cô gái biết và thuộc, nhiều cậu khác copy gửi cho bạn gái, điều đó chứng tỏ nàng thấy chúng hay và đem khoe với mọi người. Ông Tịnh nghĩ, nàng chưa “nhiệt tình” với mình hơn chắc cũng chỉ vì các cô gái đẹp thường kiêu kỳ mà thôi.
 
Một hôm đến nhà nàng, bác Tịnh đánh bạo nói lời yêu và bày tỏ ước mơ lấy nàng làm vợ. Nàng cũng chớp chớp mắt, khiến kẻ si tình muốn đứng cả tim vì chờ đợi. Rồi lời vàng cũng được thốt ra từ miệng ngọc, khiến chàng trai rụng rời: “Nhà anh có tủ lạnh không?”. Thấy “đối tượng” mặt tái mét, chẳng nói ra lời, nàng tự xác định luôn là không có. Rồi nàng ái ngại thanh minh cho chuyện “đòi” tủ lạnh, hình như nói về chữ “Hiếu” gì đó, nhưng bác Tịnh không nghe nổi nữa, cáo từ rồi ra về.
 
Bác thực sự sốc, không phải vì mình không có tủ lạnh để cưới giai nhân (dù sự thật đúng là không có) mà vì không thể ngờ nàng thơ khả ái vừa nghe tỏ tình đã “kê” ngay tủ lạnh vào miệng mình như vậy.
 

Nhà anh có tủ lạnh không?
 
Nghĩ đến những bài thơ viết bằng cả trái tim và sự tài hoa, những mong xứng đáng với sắc đẹp và tâm hồn sinh viên khoa văn của nàng, bác Tịnh tê tái người vì xấu hổ và cám cảnh cái sự bần cùng khiến người đẹp cũng trở nên không còn có thể “thơ” nữa.
 

Những bài thơ viết bằng cả trái tim và sự tài hoa… không chạm được tới… cái tủ lạnh.
 
5. Những tình yêu bị kiểm soát: Thời mà yêu… phải báo cáo tổ chức; thoa son, viết thơ tình hay tặng hoa bị kiểm điểm “ủy mị tiểu tư sản”
 
Thời đó, yêu nhau phải báo cáo tổ chức mới được phép công khai tìm hiểu và tiến tới hôn nhân. Nhưng yêu nhau ra sao, thể hiện tình yêu như thế nào, lại là nằm trong sự quản lý của tổ chức…
 
Một con người bình thường trong bất kỳ giai đoạn nào đều có cảm xúc vui buồn hờn giận, yêu ghét, có cái ưu cái khuyết điểm, có nhân tính. Nhưng vào thời kỳ đó, xã hội yêu cầu đặt trên nhân tính thường tình ấy phải là “đảng tính”. Một người cộng sản phải là như vậy: đảng yêu cầu phải đặt đảng lên trên, phải triệt tiêu chủ nghĩa tư sản, chủ nghĩa cộng sản là tối thượng, là vĩnh viễn vượt trên nhân tính thường tình của con người, và nhân tính chỉ là tương đối, là có thể đổi thay, còn “đảng tính” thì phải bất biến, không được phép hoài nghi hay thách thức.
 
Bị chính người mình yêu dán nhãn “ăn chơi tiểu tư sản”
 
Trang  Xzone có đưa câu chuyện của cô Linh như sau: Được chị họ đi nghiên cứu sinh nước ngoài về tặng một thỏi son, nói thi thoảng thoa một ít cho xinh. Cô rất ngượng vì lần đầu tiên có một vật đáng yêu như thế, vừa đẹp vừa thơm. Rồi vì muốn mình “xinh” hơn một chút trước mặt người mình thích, nên khi anh này tới rủ cô đi thăm người ốm, cô đã lấy thoa một ít. Đến nhà chị bạn bị ốm, chị ấy khen xinh. Cô thích lắm nên mấy hôm sau khi đi làm cũng lôi son ra thoa nhẹ, phớt một chút thôi, nhưng chị em nhận ra ngay, xúm lại hỏi han, bảo hôm sau mang son đến cho họ bôi thử với.
 
Cô kể:
 
Không ngờ, tuần đó họp đoàn, tôi bị phê bình vì gieo rắc tư tưởng đua đòi ăn chơi tiểu tư sản, mà người phê phán tôi lại chính là anh chàng tôi thích. Anh ta bảo tôi là người trong ban chấp hành, thậm chí có tiềm năng trở thành bí thư khóa tới, mà như thế thì làm gương thế nào được, mà thực tế là nhiều nữ đoàn viên cũng bị cuốn theo thói hư của tôi”.
 
Sau hôm đó, cô Linh hết dám ho he trang điểm, chị em trong cơ quan cũng chả dám xin bôi thử son nữa.
 
Tưởng thế là xong, ai ngờ các cuộc họp sau đó, chuyện thỏi son của Linh vẫn tiếp tục được đưa ra để nhắc nhở, cảnh báo về chuyện giữ vững lối sống lành mạnh. Và đến kỳ đại hội đoàn sau đó, cô Linh cũng bị gạch tên khỏi danh sách đề cử ban chấp hành.
 
Những năm đó, việc mang tiếng tiểu tư sản đủ để cản trở mọi sự thăng tiến, vì nó được đánh đồng với “lập trường không vững, tư tưởng mơ hồ, coi thường lao động“, tóm lại là cần được uốn nắn, giáo dục nhiều. Thích những thứ đẹp đẽ cũng là một biểu hiện của “cái thói tiểu tư sản”. Thời đó, phải “chân lấm tay bùn, dính phân bò” mới được coi là đẹp và vinh quang trong giáo dục tư tưởng vô sản.
 
Viết thơ tình, hát bài hát lãng mạn, tặng hoa người yêu bị kiểm điểm: nhân tính phải thấp hơn Đảng tính
 
Mấy chục năm, tôi vẫn nhớ lời ‘tâm sự’ của thủ trưởng cơ quan ngày đó, bảo chẳng ai cấm cậu làm thơ tình, nhưng thơ tình của cậu lãng mạn xa rời thực tế, thiếu tính chiến đấu, cực kỳ nguy hiểm và độc hại… Tôi nghe đến đâu, mồ hôi lạnh túa ra đến đó“, ông Hưởng chia sẻ trên trang Xzone.


 
Còn ông Mai Văn Hồng thì gặp rắc rối vì yêu nhạc, nhất là những ca khúc tiền chiến, thời đó không được khuyến khích vì tính trữ tình ướt át có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Có lần cơm xong ngồi hóng mát ở hành lang, ông hát: “Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê…”. Ngay hôm sau, Hồng đã bị căn vặn rằng anh đang ở Hà Nội, lại còn muốn hướng về cái Hà Nội nào? – Có phải cái Hà Nội tư sản ánh đèn giăng mắc với những cô áo màu, dáng huyền tha thướt đê mê không? Hú hồn!
 
Bác Trần Long, người Thanh Hóa kể trên trang Xzone rằng: “Nghèo quá, chẳng có gì để tặng người yêu, tôi xót lắm vì nàng cũng nghèo, công việc vất vả, sức khỏe lại yếu. Để động viên nàng, mỗi chiều thứ 7 sang thăm, tôi đều cố kiếm một vài bông hoa để tặng, báo hại nàng bị phê phán là học đòi yêu đương mùi mẫn kiểu tiểu tư sản. Yêu hoa là tốt, nhưng ướt át, ủy mị đến mức thứ 7 nào cũng kiếm hoa tặng thì còn lao động, phấn đấu sao được“… “Sau này, tôi được biết chẳng có chủ trương, chỉ thị nào cấm những cái đó cả, nhưng mà nhiều người họ cứ suy diễn theo ý họ”.
 
Giờ đây – khi những câu chuyện đó đi vào dĩ vãng, và nhà nhà người người đều tự hào trở thành doanh nhân, trở thành “tư sản”, “tiểu tư sản” đóng góp nguồn lợi cho đất nước, nhìn lại chúng ta có thể thấy thời đó thật ấu trĩ và ngây thơ. Cái thiếu đói cả vật chất và tinh thần mà chế độ bao cấp tạo nên đã khiến con người thời đó khó có thể nhìn xa hơn cái xe đạp, xe máy, cái tivi đen trắng, đâu nói tới những vấn đề to tát hơn như dân chủ, nhân quyền, hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái… Ánh sáng hiếm hoi nhìn thấy được là khi con người vượt khỏi cái khung tư tưởng định sẵn và dùng phía nhân tính thiện lương của mình để chia sẻ giúp đỡ nhau trong khó khăn và buồn vui nho nhỏ thường nhật…

Tác giả: Hà Phương Linh

Nguồn tin: www.daikynguyenvn.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây