Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Món quà vô giá từ Thiên Chúa

Nếu có cho tôi viết 100 lần về mẹ tôi cũng không sao kể hết được. Chỉ biết nói bằng một câu tận đáy lòng con là con yêu mẹ, con xin lỗi mẹ về tất cả. Và cám ơn Chúa đã ban mẹ cho con.
Ảnh: Nguyễn Thị Thảo Tiên cung cấp
Tuyển tập Tình Mẹ. Bài 1

Mẹ:  là người tôi gây nhiều tổn thương nhất.
Mẹ: là người mà tôi muốn rời đi.
Để rồi khi gục ngã, mỏi mệt Mẹ là người dang rộng đôi tay chào đón tôi, che chở, bảo vệ tôi tốt nhất có thể.

Và Mẹ là người tôi biết ơn để rồi cố gắng hết sức có thể làm mẹ vui và chuộc lại những lỗi lầm nông nổi tôi đã gây ra dù vô tình hay cố ý.

Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình danh giá và khá giả có tiếng ở xứ Tân Hiệp, được bà cố tôi tức là bà nội của mẹ cho ăn học tới nơi tới chốn. Gia đình 9 người đều được ăn học tử tế. Khi mẹ học xong lớp đệ nhị thì thi đậu tú tài một. Gia đình muốn mẹ vô sư phạm ra dạy tiểu học, nhưng mẹ không thích nghề giáo nên xin vào nữ quân nhân. Gia đình phản đối, bù lại ông ngoại tôi lại ủng hộ mẹ, mẹ tôi chọn ngành quân y học 9 tháng trong ngành này. Khi thi  ra trường mẹ tôi đậu thủ khoa trường quân y khóa 6/68/NYT nên được ưu tiên chọn Sài Gòn. Năm 1968 làm  y tá ở Tổng y viện Cộng Hòa trung tâm tiếp huyết Gò Vấp, (nay là bệnh viện 175 Nguyễn Kiệm), với mong ước được học thêm ngành huyết học. Sau 2 năm đổi về quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ rồi gặp ba tôi ở đó. Thời gian này ba tôi đang nằm dưỡng thương.

Ngày xưa, mẹ là một người phụ nữ có duyên, không cần phải nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cũng đủ làm ba tôi - một anh sĩ quan xao xuyến và đem lòng yêu thương. Xem lại những tấm hình ba còn cất giữ, tôi cũng ái mộ cái nét duyên của mẹ ngày ấy.

Có lẽ vì cuộc đời khắc nghiệt và biến cố 30.4.1975 mà mẹ tôi từ một cô y tá xinh đẹp lại trở thành một người đàn bà lam lũ, cực khổ, nhưng bà vẫn giữ được cái cốt cách của một người học thức và phong cách riêng của bà.

Được nghe kể lại lúc ba đi cải tạo, mẹ tôi lặn lội khắp nơi thăm nuôi ba tôi, lo buôn bán gom góp tiền để nuôi chị tôi và mua những cái tốt nhất gởi vào cho ba. Sau khi ba cải tạo về, ba phải đi làm lúa mướn, cực khổ, thất chí rồi sinh ra nhậu nhẹt, mẹ cũng hết lòng khuyên nhủ. Để rồi sau đó ba tôi ở nhà trông con cho mẹ đi buôn bán kiếm tiền nuôi chồng và 4 đứa con thơ dại.

Tôi nhớ nhất là hình ảnh ba mẹ tôi khoảng năm 1985 gì đó là thời bao cấp, mua gì cũng phải xếp hàng, mang sổ đi mua, mà cái gì cũng bị hạn chế. Vì nuôi sống các con nên ba mẹ tôi mới đi bán “đồ lậu” là tôm khô và rượu đế, nhưng ba tôi đi chuyến nào là bị bắt chuyến đó hết vốn nên ba mẹ bỏ không làm nữa chuyển qua làm ăn khác, làm bánh bán. Mẹ tôi “học lóm” từ người quen, rồi sách nữ công gia chánh. Mỗi ngày khoảng gần sáng, ba mẹ ra nhà sau đóng cửa ngăn lại (sợ đèn chiếu các con ngủ không được) làm bánh bông lan nướng ra chợ bán. Có hôm làm bánh bao, có hôm làm bánh bò nướng, rồi nghiên cứu cách làm kẹo kéo. Dù là giai đoạn khó khăn, nhưng chị em tôi chưa bao giờ phải ăn cơm gạo đỏ, chưa bao giờ mặc quần áo giống nhau như đám trẻ con trong xóm. Đi học mẫu giáo được mẹ cho mặc áo đầm, có khi mẹ mua, có khi mẹ may bằng khúc vải may màn lấy xuống nhưng tôi vẫn thích vì đẹp hơn đám bạn.

Có một lần nọ, mẹ nói chuyện với ba là có bà Tư Lượm nào đó mượn tiền của mẹ rồi trốn biệt tăm, mẹ dò hỏi được nơi bả trốn nên sẽ đi tìm bả để đòi tiền. Mẹ ẳm em gái út tôi đi đâu từ sáng sớm ngủ dậy đã không thấy mẹ, hỏi ba thì ba nói mẹ đi công việc, tối về mua bánh cho con ăn. Rồi tối mẹ cũng về, tôi đang chơi với đám hàng xóm, thấy mẹ từ xa là chạy ra mừng. Vô nhà nghe ba hỏi mẹ:

“Em có gặp được bả không?”

Mẹ nói: “Được!”

Ba hỏi: “Bả có trả tiền em không?”

Mẹ nói: “Trời, anh biết không, nhà bả nghèo muốn chết, còn mấy đứa con nheo nhóc, không có gạo ăn, em phải ra ngoài đường kiếm chỗ bán gạo, mua cho bả với đám nhỏ mấy ký ăn, chứ không lấy được xu nào! Xong rồi em về.”

Ba nói: “Em đi lấy tiền mà không có xu nào còn lỗ vốn hả, thôi kệ, mình khó còn có người khó hơn. Để Thánh Giuse lo!”.

Tôi khi đó nghe mẹ nói không có tiền thì mừng hụt vì không có bánh ăn. Nhưng không, vài hôm sau mẹ bù lại bằng một bịch đậu phộng da cá khoảng nửa ký, mẹ cất trong cái ‘garde manger’ mỗi lần cho mỗi đứa 10 hột, vậy chứ mà oách hơn mấy đứa trong xóm, làm gì mà ba mẹ tụi nó dám cho ăn mấy món xa xỉ này. Hôm nào tôi biếng ăn là ba lại len lén 2 đứa em lấy ra cho tôi trộn cơm ăn đổi khẩu vị. Ba làm vậy cho tôi vui mà chịu ăn cơm chứ thật ra sau đó tôi biết 2 đứa kia ông cũng lấy ra cho như tôi.
 
Ảnh: Nguyễn Thị Thảo Tiên cung cấp
 
Để được ăn món đậu phộng da cá không phải dễ dàng gì. Mẹ lúc nào cũng ra điều kiện là con phải ngoan, không đánh em, không ăn hiếp chị thì mẹ mới cho. Phải nói sao lúc nhỏ tôi hung tàn thế không biết, một mình tôi xử hết 3 đứa chị em. Có lẽ vì vậy mà tôi là đứa bị đòn nhiều nhất. Hôm nào phạm lỗi bị mẹ đánh lại mừng hơn ba đánh vì mẹ chỉ “quẹt quẹt” cho có, còn ba thì thôi luôn, tím cả mông mấy ngày.

Lại nhắc tới bánh bò nướng mới nhớ sao lúc đó tôi ngốc đến như vậy làm mẹ tôi chắc cũng buồn lòng lắm, nhưng có lẽ thời gian đã lâu mẹ cũng không còn nhớ việc đó nữa, tôi tin là như vậy vì bà là người vị tha. Lần đó tôi khoảng 6 hay 7 tuổi, đi học về mẹ bán ế một mâm bánh bò nướng, mẹ đưa tôi bưng vô khu sạp vải bán cho mấy bà bán vải, mẹ dạy cách mời mua bánh và nhớ lấy tiền. Bán hết 9 cái bánh tôi vui mừng vì sắp được về nhà, nói thật ra tôi ghét việc mẹ kêu tôi bưng bánh đi bán, vì tôi sợ gặp thằng Minh lùn bạn tôi con bà Út Nga. Quả thật, hôm đó còn một cái bán hoài không được thì tôi bắt gặp nó đứng ngay sạp vải má nó. Tôi vội quay đi và tiện tay cho nguyên cái bánh vô miệng nhai nuốt cho lẹ để đi về nhà trốn nó. Không may cho tôi, nó nhìn thấy và la lớn: “Á, con Thảo Tiên nhà nghèo đi bán bánh dạo, mai tao vô lớp tao nói cho tụi nó chọc quê mày, á bán bánh, bán bánh”. Tôi như chết điếng nhưng cũng ráng ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh về nhà đưa tiền cho mẹ, lòng thì giận sôi máu cái thằng Minh lùn kia và đang suy nghĩ cách mai làm sao cho nó im miệng, thì lúc đó mẹ tôi gọi hỏi con bán bánh có ai mua thiếu không để mẹ biết mai mẹ đi lấy, tôi khăng khăng là không ai mua thiếu cả. Mẹ bắt đầu hỏi xem có quên không mà tại sao 10 cái bánh mà đưa tiền cho mẹ có 9 cái, lúc đó không giấu giếm gì được bao nhiêu uất hận trong lòng tôi trào dâng tôi nói tôi ghét mẹ không thương tôi bắt tôi phải đi bán bánh dạo để thằng Minh lùn nó chọc quê… Mặt mẹ buồn trông rõ, mẹ nói lần sau mẹ không để con đi bán nữa, mẹ sẽ không để các con phải khổ nữa… Đây là lần đầu tiên có lẽ tôi làm mẹ đau lòng. Đau lòng vì thời thế làm bất lực, từ một con người có học thức, có địa vị mà trở thành người buôn bán mưu sinh kiếm từng đồng lẻ để con cái bị người ta cười chê mỉa mai chọc ghẹo.

Năm tháng dần trôi, ba bệnh, xã hội cũng dễ thở hơn tí, mẹ không còn ba phụ làm bánh nên quay sang bán vải góp. Tôi nhớ như in cảnh mẹ chiều chiều dẫn xe đạp ra sân, treo 2 cái giỏ vải to đùng lên 2 bên tay cầm, chạy đi vô những vùng ven bán dạo. Trước khi ra cửa mẹ không quên nhắc ba uống thuốc và lên giường ngồi sát tường kẻo động kinh té xuống đất, rồi quay sang dặn tôi nếu ba động kinh, con nhớ lấy cái muỗng chặn miệng kẻo ba cắn lưỡi, xong châm cứu những huyệt mẹ dạy, rồi chạy qua kêu anh Tài hàng xóm giúp đẩy ba vô giường kẻo ra rớt xuống đất.

Mẹ đi bán từ chiều tới tối mịt mới về. Hôm nào nghe mẹ nói mai mẹ chở con đi bán là hôm đó sướng lắm vì thế nào mẹ cũng cho ăn vịt lộn hay hủ tiếu. Thỉnh thoảng hết hàng, mẹ dẫn tôi đi lên Chợ Lớn để mua hàng về bán. Nhờ vậy mà tới giờ tôi rất rành khu “China town” đó, từ chợ Kim Biên tới chợ Soái Kình Lâm…

Cuộc đời mẹ tôi như một bộ phim nhiều tập không có hồi kết. Buôn bán cũng vì cả tin bị lừa hết lần này đến lần khác, lâu lâu mẹ mua tủ, bàn ghế mới, rồi lâu lâu thấy ba mẹ khiêng đi bán, bán cả quần áo rồi ông bà chỉ còn vỏn vẹn 2 bộ đồ trong tủ. Nhưng ba tôi không hề trách giận mẹ câu nào mà chỉ động viên an ủi bằng câu nói quen thuộc: để Thánh Giuse lo! Có lẽ vì mẹ hiền và nhân hậu nên gặp được người tốt giúp đỡ, bà Lê Vũ tự động cho mẹ tôi mượn 5 phân vàng làm vốn, từ đó mẹ làm ăn khá dần rồi mua TV màu, mua xe máy… Đám bạn tôi xì xầm sau lưng tôi là nhà tôi khá lắm… Rồi ba bệnh, lại nghèo…

Thời gian dần trôi, khi tôi lên 12 là lúc tôi và mẹ căng thẳng nhất, mẹ lo tôi thi rớt tốt nghiệp nên cứ có bài ca cũ ca hoài không chán làm tôi bực mình. Sự việc đỉnh điểm là khi tôi tập văn nghệ cuối năm, gần tới ngày lên sân khấu thì mẹ tôi bất ngờ không cho tôi đi trình diễn. Tôi giận mẹ, dẫn xe ra khỏi nhà, ra quốc lộ đón xe đò bỏ nhà đi bụi, nhưng biết đi đâu ngoài lên nội trên Sài Gòn! Vì lúc nhỏ mẹ thường xuyên cho đi Sài Gòn mua hàng cùng và mỗi hè, Tết là được về nội, nên tôi rất rành đường từ bến xe Chợ Lớn đạp về tới Huỳnh Văn Bánh. Mẹ hớt hải gọi lên tìm thì lúc đó tôi vừa tới, nghe cô tôi nói với mẹ là cháu nó vừa tới nơi đang đứng ngoài cổng. Cô khuyên cỡ nào tôi cũng không muốn về với mẹ. Xong tối đó cậu Tám tôi dưới quê lên dẫn tôi về. Vô nhà mẹ không nói gì ngoài câu con tắm rửa ngủ sớm mai đi học. Và rất rất nhiều lần tôi làm mẹ tôi phải đau đầu vì tôi, lúc bà nhẹ nhàng, có lúc bà cũng nóng giận.

Cuộc đời mẹ hy sinh vì chồng con, chịu đủ điều oan ức thị phi từ gia đình cũng như ngoài đời, nhưng có lẽ gia đình, người thân mới làm mẹ tôi đau đớn nhất. Bà không phân bua hay đính chính gì mà chỉ trả lời cho họ thấy bằng những việc làm cụ thể là chăm chồng, yêu con, thương cháu vô bờ bến, không cần phải trả công hay biết ơn gì bằng môi miệng. Không có tiền nào có thể mua được cái tình yêu bà dành cho ba, cái tình thương bà dành cho con cái.

Dù cuộc sống vất vả nhưng mẹ tôi luôn mang một nét đẹp mà không phải phụ nữ nào cũng có, bà có một nét đẹp “sang bà lão” như bạn tôi nhận xét về mẹ. Đối với mẹ là “bộ đồ bộ dù có đắt tiền cỡ nào cũng chỉ là bộ đồ bộ” nên bà không bao giờ mặc đồ bộ ra đường hay đến nơi công cộng. Đến lúc bệnh nằm bệnh viện Xuyên Á cả mấy tuần lễ bà vẫn nói tôi mang quần tây, áo sơ mi cho mẹ ra đường.

Tôi nhớ mãi những chiếc áo dài mẹ treo trong tủ, có những cái ba đạp xe xuống tận nhà dòng các soeurs Mỹ Tho đặt thêu cho mẹ và thỉnh thoảng khi mẹ vắng nhà tôi hay kéo tủ mân mê từng cái áo ấy thật thích. Và một trong những chiếc áo ấy là áo dài cưới của mẹ, tôi vẫn còn giữ đến tận bây giờ.

Nếu có cho tôi viết 100 lần về mẹ tôi cũng không sao kể hết được. Chỉ biết nói bằng một câu tận đáy lòng con là con yêu mẹ, con xin lỗi mẹ về tất cả. Và cám ơn Chúa đã ban mẹ cho con.

Mẹ nghèo mưa dột mái tranh.
Trải bao bất hạnh muôn phần gian truân”.

Nguyễn Thị Thảo Tiên F1/HT62

Tác giả: Nguyễn Thị Thảo Tiên

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây