Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Bà ngoại tôi

Tuy tôi không thể thường xuyên về thăm bà ngoại nhưng tình cảm yêu mến của tôi dành cho bà thì không bao giờ phai nhạt, những kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng nhân hậu, yêu thương của bà dành cho tôi.
 
Tuyển tập Tình Mẹ. Bài 3

Những ngày con bé ngây thơ 
Ngoại ru câu hát ầu ơ ngọt ngào 
Dừa xanh gió mát rì rào 
Tuổi thơ bên ngoại đời nào con quên. 

Trong những tháng ngày thơ ấu, tôi thật may mắn khi đã được sống trong tình yêu bao la của bà ngoại. Người bà - một người bao giờ cũng yêu quý và chăm sóc tôi. 

Bà tôi nay cũng đã già. Cũng phải, bà đã ngoài 80 rồi. Mái tóc cũng đã dần bạc theo thời gian. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Đôi mắt bà cũng không còn được tinh anh như ngày trước, nhưng lúc nào tôi cũng có thể thấy được sự trìu mến, yêu thương của bà dành cho tôi khi nhìn tôi. Lưng bà cũng đã còng, chân đi rất chậm. Đôi bàn tay của bà đã có đầy vết sần, những ngón tay gầy gầy, xương xương những vẫn có thể làm được rất nhiều việc.

Bà là một người rất điệu đà. Dù đã ngoài 80 nhưng mỗi khi ra ngoài đều chăm chút như tuổi đôi mươi từ đầu tóc, trang điểm, tác phong quần áo đều được bà kĩ lưỡng. Ở nhà thì giản dị với vài bộ đồ bộ bằng vải nhưng khi có dịp ra đường thì xúng xính với bộ áo dài, áo sơ mi quần tây,... Ai cũng khen tóc bà đẹp, bởi có lẽ tóc là một bộ phận mà bà rất quý. Dù làm bất cứ chuyện gì, ngày nào cũng vậy bà không bao giờ quên thoa dầu dừa lên tóc nên dù đã ngoài 80 nhưng tóc bà vẫn đen óng ả, mượt mà. 

Tôi được mẹ kể lại hồi xưa bà ngoại là vựa khoai rất lớn ở trong xóm, không ai là không biết đến bà. Điều đó có thể cho thấy rằng bà là một người vợ và là một người mẹ rất đảm đang. Vừa tháo vát việc buôn khoai vừa chăm sóc cho những người con của bà hiện là mẹ, các dì và các cậu của tôi.

Khi vào lớp một, ba mẹ bận gầy dựng sự nghiệp ở đất Sài Gòn nên đã gửi tôi ra Huế cho ông bà ngoại chăm một năm. Hồi đó ông bà trẻ hơn bây giờ, còn nhanh nhẹn, khéo léo. Bà yêu thương và quan tâm tôi từ những việc nhỏ nhặt nhất và chăm sóc tôi vô cùng chu đáo. 

Nếu ông ngoại là một người ông lúc nào cũng vui tươi hiền như một ông tiên bước ra từ truyện cổ tích thì bà là một người nghiêm khắc và vô cùng khó tính. Hồi đó, tôi chỉ cần sai một việc nhỏ, bà sẽ cầm roi giấy và rượt đánh tôi xung quanh nhà. Mà không hiểu sao hồi ấy tôi lại rất quậy, bà dặn một đường tôi lúc nào cũng làm một nẻo để rồi bị rượt đánh từ nhà trên xuống nhà dưới. Hồi đó tôi không suy nghĩ nhiều nhưng bây giờ nghĩ lại tôi sẽ phải cảm ơn những lần rượt đánh của bà rất nhiều. Nhờ những lần rượt đánh đó góp phần để có được tôi của ngày hôm nay. 

Năm đó, mỗi buổi sáng bà là người gọi tôi dậy, đánh răng, rửa mặt, thay đồ cho tôi đi học. Bình thường người đưa tôi đi học và đón tôi về sẽ là ông ngoại, nhưng sẽ có một vài ngày bà ngoại đi bộ lên dắt tôi về. Mỗi khi bà ngoại đón là y như rằng trên đường về tôi sẽ được một bịch sữa chua ở quán tạp hóa gần nhà. Mặc dù thời đó khó khăn nhưng ông bà vẫn cho tôi đi học thêm để kiến thức không thua bạn bè.

Mỗi sáng Chúa Nhật, ông bà sẽ dẫn tôi đi lễ và học giáo lý tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế. Tôi nhớ có lần tôi trốn học giáo lý và bỏ về nhà . Bà đã la tôi một trận và lại dắt tôi lên lại nhà thờ. Những lần học bài giáo lý được giao về hay học kinh, bà luôn là người dò bài và không cho phép tôi đọc sai một chữ nào. Đọc sai một chữ là y như rằng học lại từ đầu.

Tôi rất thích mỗi sáng thứ bảy, vì hôm đó được nghỉ và đi chợ cùng bà. Bà ngoại xách cái giỏ lớn tôi xách cái giỏ nhỏ. Hai bà cháu cầm 2 cái giỏ và dắt tay nhau cùng đi chợ rất vui. Trên đường vừa đi vừa nói chuyện vui đùa rôm rả cả một đoạn đường, tuần nào cũng vậy. 

Mỗi buổi chiều ngoại sẽ hay tụ tập cùng mấy bà hàng xóm để đánh "bài tới" - một trò chơi dân gian ở xứ Huế. Tôi ngồi cạnh bà ngoại nhìn bà đánh bài, lâu lâu có cô bán bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc đi ngang qua mời thì tôi được ngoại cho một dĩa. Có những buổi chiều nếu không đánh bài tới với mấy bà hàng xóm, bà ngoại sẽ xách ghế ra sân ngồi và kêu tôi ra nhổ tóc bạc, lông mày. Bà ngoại đối xử với hàng xóm rất tốt vậy nên dường như trong xóm ai ai cũng quý bà. Bà cũng chính là người dạy cho tôi những điều hay, lẽ phải. Bà thường xuyên nhắc nhở tôi phải biết đạo lý, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, cũng như chan hòa với bạn bè.

Tới mùa mưa lụt, sợ tôi lội lụt bị lở chân hay té nên lúc nào bà cũng ưu tiên tôi ngồi ở trên giường, tới bữa cơm hay muốn uống nước bà sẽ lấy cho. Bởi hồi đó tuy nghiêm khắc nhưng tôi cũng được bà cưng lắm. Mỗi lần tôi bệnh , bà chạy đôn chạy đáo dùng những bài thuốc dân gian, kêu người tới chích, rồi uống thuốc để tôi mau chóng hết bệnh. Có những lần tôi bị té trầy xước ở mặt, tay chân, bà rất xót. Bà sợ tôi là con gái bị sẹo sẽ xấu nên hồi đó ngày nào cũng kiên trì bôi nghệ để tôi không bị sẹo. Cho tới tận bây giờ tôi đã lớn và đang sống ở Sài Gòn nhưng mỗi khi nghe tôi bệnh ông bà đều rất lo lắng.

Từ nhỏ, tôi đã rất thích ăn socola, bà đi công chuyện ở đâu, nếu được người ta cho socola thì bà đều mang về cho tôi. Em của bà ở nước ngoài gửi socola về thì bà ngoại cũng sẽ để dành cho tôi. Như một thói quen về sau này, cứ có socola là bà tích góp lại đợi có dịp là đóng gói gửi vào cho tôi.

Những khi trời lạnh, bà ngoại thường nhóm 1 lò than rồi kêu ông cháu tôi ra hơ cho ấm. Vừa hơ vừa vuốt vuốt, xoa tay rồi chà lên người cho ấm. Dù thời tiết rất lạnh nhưng khoảnh khắc đó tôi cảm thấy thật vui và ấm đến lạ thường. Cứ mỗi tám giờ tối, hai bà cháu sẽ vào chỗ nằm và xem phim, vừa xem vừa cười, bàn tán về những chuyển biến của phim. Xem phim xong tôi nằm gãi lưng cho bà như một thói quen. Bà ngoại hay bị ngứa lưng nên ngày nào tôi cũng gãi và nặn máu ngứa ra cho bà.

Bà ngoại là người không giỏi việc nhà, không giỏi nấu ăn cũng không biết lái xe. Và ông là một người đàn ông rất lí tưởng, ông chưa từng chê bà, luôn làm cùng bà mọi việc. Nếu bà không giỏi việc nhà thì ông là một người rất kỹ tính và gọn gàng trong việc nhà cửa. Nếu bà không giỏi việc nấu ăn và rửa chén thì ông luôn phụ và làm cùng bà những việc đó. Bà không biết lái xe thì dù bà đi đâu ông cũng sẽ là người chở bà đi. Và trước khi đi ngủ, ông luôn là người mở đài và giăng mùng cho bà. Có thể nói bà là một người phụ nữ rất hạnh phúc.

Hết năm lớp 1 tôi theo mẹ vào Sài Gòn, nếu ông ngoại là một người đàn ông có thể nén được nước mắt của mình thì bà ngoại không thể. Hai bà cháu đã ôm nhau khóc rất nhiều. Bà ngoại thương, nhớ cháu.

Những năm về sau, tôi ít khi ra thăm ngoại. Nhưng mỗi lần ra thăm bà đều cố gắng đi đến và đứng đón tôi ở sân bay mặc dù bà đã lớn tuổi. Bà nấu những món ngon để đãi tôi. Nhưng cũng đã ba bốn năm rồi tôi không ra Huế thăm ông bà.

Cho đến tháng tư vừa rồi (tháng 4/2022) tôi cùng mẹ ra Huế đón ông bà vào Sài Gòn chơi. Tôi chợt nhận ra ông bà đã lớn tuổi nhiều, yếu nhiều hơn. Bà đi chậm chậm, tay chân ốm đi nhiều. Giấc ngủ bà cũng trở nên khó khăn. Tôi cùng gia đình luôn tạo không khí vui tươi để ông bà cảm thấy thoải mái nghỉ dưỡng và không lạ nhà. Buổi trưa mấy bà cháu dắt nhau đi ăn bún riêu, bà thích ăn da lắm, nhưng bà tiếc tiền. Một tô bún 25 nghìn đồng thêm da là 35 nghìn đồng. Nhưng tôi nói với bà tô đó 15 nghìn đồng lúc đó bà mới chịu ăn. Nhìn bà ăn ngon tôi cảm thấy lời nói dối này của mình xứng đáng. Cứ mỗi buổi cơm bà bảo bà thèm ăn da. Tôi sẽ chạy cái ù đi mua 10 nghìn 20 nghìn da rồi bảo với bà túi này chỉ 5 nghìn thôi. Bà tấm tắc khen chỗ này bán như vậy thì sao mà lời. Suốt một tháng bà ở Sài Gòn, thật tiếc vì không thể đưa ông bà đi chơi vì ông bà hay bị mệt.

Khi bà nhớ quê, hai ông bà cùng dắt nhau về Huế. Bà buồn cả tháng trời vì nhớ cháu, cho tới tận bây giờ cứ mỗi lần gọi vào bà đều hỏi dạo này cả nhà ổn hết chứ, ba mẹ khỏe không? Hai chị em khỏe không? Trước khi làm gì thì cũng phải đọc 3 kinh Kính mừng, 1 kinh Sáng danh nghe chưa. Bà chu đáo vậy đấy!

Khi biết tôi bước vào ngưỡng cửa đại học, bà vui lắm, bà vui vì thêm 1 đứa cháu nối nghiệp ông ngoại (một người thầy thuốc chữa bệnh nhưng không bao giờ nhận tiền). 

Tuổi thơ tôi thật may mắn vì có ông bà bên cạnh. Bà tuy nghiêm khắc, khó tính nhưng tất cả đều là vì con, vì cháu. Tôi biết bà luôn cầu nguyện cho gia đình tôi sức khỏe. Tôi mong rằng ông bà sẽ luôn mạnh khỏe, sống mãi, trẻ mãi chờ đến khi tôi ra trường và về bốc thuốc cho ông bà.

Tuy tôi không thể thường xuyên về thăm bà ngoại nhưng tình cảm yêu mến của tôi dành cho bà thì không bao giờ phai nhạt, những kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng nhân hậu, yêu thương của bà dành cho tôi. Tôi mong bà sống thật lâu cùng với tôi để tôi có thể yêu thương, phụng dưỡng bà, báo đáp phần nào công ơn dưỡng dục của bà dành cho tôi. 

Cháu về đầy tháng ngoại chăm, 
Bon bon quê ngoại xa xăm dặm đường, 
Cháu về trọn nghĩa yêu thương, 
Tháng sinh về ngoại lẽ thường phải không? 
Bố mẹ lo trọn việc công 
Nơi xa gọi điện, nóng lòng thăm con, 
Ông bà chăm chút ngoại son, 
Lớn nhanh cháu nhé, vẹn tròn tình yêu. 
Thương yêu âu yếm sớm chiều,
Gian nhà đầy ắp tình yêu con người. 

Nguyễn Ngọc An Hoàng F2
Con của Nguyễn Thị Phương Thảo F1 & Nguyễn An Phú
Cháu ngoại ÔB. Nguyễn Đăng Tình PX53 & Hoàng Thị Phương

Tác giả: Nguyễn Ngọc An Hoàng

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây