Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Chúa nhật 29 TN C. Giấc mơ chưa tròn

Nhiều con người, dân tộc và quốc gia trong thế giới hôm nay vẫn khao khát sự công chính; họ mong mỏi lẽ phải được tôn trọng. Tuy vậy, cũng như Đức Kitô, nhiều người vẫn thấy đây vẫn là giấc mơ chưa tròn.
Chúa nhật 29 TN C. Giấc mơ chưa tròn
(Suy tư Lời Chúa, Chúa Nhật 29 Thường Niên) - Luca 18: 1-8

Dâng lên Cha Từ Nhân giấc mơ chưa tròn ôm ấp bao tháng ngày...” (Nhạc Sĩ Nhất Chi Vũ).

Bài hát này là tâm tư của những người Việt Nam tha hương mong nhớ về quê hương. Đây cũng là giấc mơ chưa tròn của mọi Kitô hữu, mong ước một vương quốc thái bình của Chúa; cũng là giấc mơ chưa tròn của những người có lương tri trên khắp thế giới, mong có một xã hội trật tự của công lý và lẽ phải. Và nhất là đây chính là giấc mơ chưa tròn của Đức Giêsu Kitô, đấng từ ngàn năm trước, đã nhìn thấy tình thế đen tối của xã hội và chính trị của thế giới hiện nay của chúng ta. Chúa Giêsu đã nhìn thấy gì khi đốc thúc các môn đệ hãy cầu nguyện không ngừng, cầu nguyện không nản chí? Chúa Giêsu biết rằng chỉ có Đấng Toàn Năng, Cha của Ngài, mới làm cho tròn giấc mơ của “những người khao khát sự công chính”

Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn nghe rất lạ tai, nhưng lại có thật. Đọc cho kỹ sẽ thấy dụ ngôn này xác thật biết bao khi Chúa mô tả một tình hình xã hội nhập nhằng khiến một người thành tâm nhất cũng có thể mất niềm tin. Chúa nói: “Tại thành phố nọ có một thẩm phán gian manh, không sợ Thiên Chúa cũng chẳng nể nang ai...”

Ông thẩm phán này, thời nào và nơi nào cũng có, nhất là trong xã hội của thế kỷ 21 này, kẻ nắm trong tay cán cân công lý và luật pháp. Ông ta không sợ trời, không sợ đất... nhưng... sợ một người đàn bà, kẻ đã khiếu nại đến toà án của ông. Ông ta nói: “Cho dù ta không sợ Chúa Trời, cũng chẳng sợ con người, ta sẽ phán xét theo ý bà ta, kẻo bà ta trở lại và đánh ta.” Như thế, phán quyết của ông thẩm phán bị thúc đẩy bởi áp lực của sự sợ hãi, sợ bị đánh, không phải cú đấm hay tát tai, nhưng là cú đánh chính trị. Bà ta sẽ không đến một mình, nhưng sẽ đến với phe cánh, với đảng phái và phong trào của bà.

Thiên Chúa trao cán cân công lý trong tay con người để chính họ, với lương tri và lẽ phải, quản trị và phục vụ trật tự xã hội con người. Tuy nhiên lẽ phải vẫn thuộc về Thiên Chúa, Đấng gieo lẽ phải vào bản tính con người, và người có lương tri luôn công nhận lẽ phải thuộc về Thiên Chúa. Và kẻ không có lương tri, muốn bẻ cong hoặc chà đạp lẽ phải, phải loại trừ Thiên Chúa khỏi tâm trí và sinh hoạt của họ. Họ tuyên bố không sợ Thiên Chúa, nhưng trong thâm tâm luôn sợ hãi, vì lòng dạ không ngay thẳng; quyết định của họ sẽ là: gió thổi chiều nào thì theo chiều ấy.

Sự thể trong tình hình của dụ ngôn này nghe tương tự như sự đối đầu giữa chế độ pháp lý của Phủ Khai Phong trong tay Bao Thanh Thiên và áp lực uy quyền của triều đình nhà Tống bên Tàu, một quyền lực luôn muốn lấn áp lẽ phải của luật pháp. Mới đây ai cũng thấy Hạ Viện Hoa Kỳ với sức mạnh chính trị của Đảng Dân Chủ muốn làm áp lực với Toà Thượng Thẩm và Hành Pháp của Toà Bạch Ốc. Quốc gia nào cũng có sự đối đầu giữa chế độ pháp trị và chính trị, giữa luật pháp và đảng phái. Tuy nhiên, một khi ý thức hệ vô thần lên ngôi, nền tảng của lẽ phải sẽ không còn là chỗ dựa của đời sống xã hội, luân lý sẽ bị chà đạp, lương tâm sẽ lẫn lộn, và con người sẽ không còn tin vào cái gọi là chân lý trường cữu; vì mọi niềm tin đều sẽ trở nên tương đối (relativism).

Chúa Giêsu công bố về Nước Trời: “Phúc cho ai khao khát sự công chính, vì Nước Trời là của họ.” Nhiều con người, dân tộc và quốc gia trong thế giới hôm nay vẫn khao khát sự công chính; họ mong mỏi lẽ phải được tôn trọng. Tuy vậy, cũng như Đức Kitô, nhiều người vẫn thấy đây vẫn là giấc mơ chưa tròn. Họ khao khát tới mức tuyệt vọng. Chính trị không còn là một nghệ thuật ngay thẳng để điều hành cho một quốc gia được phát triển; nó trở nên thế lực cho lợi ích một nhóm người. Luật pháp có thể bị khống chế bởi sức mạnh của thương mãi và vũ khí. Lẽ phải có thể bị bẻ cong và bị thao túng bởi các hãng bảo hiểm và các công ty tài chánh và ngân hàng.

Khi con người khó lòng tin vào lẽ phải trên mặt đất, làm sao họ tin được vào công lý ở trên trời? Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu thúc bách chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng; cầu nguyện để không mất đi sự khao khát lẽ phải; cầu nguyện để không mất hy vọng vào con người; và cầu nguyện để không mất niềm tin vào Thiên Chúa.

Hãy dâng cho Thiên Chúa sự khát khao công lý của các bạn. Hãy dâng cho Cha trên trời giấc mơ chưa tròn của các bạn; cũng là giấc mơ của Chúa Giêsu khi Ngài chia sẻ: “Ta nói thật cho anh em hay: Thiên Chúa sẽ bảo đảm công lý cho anh em. Nhưng khi Ta trở lại, liệu có còn niềm tin trên mặt đất này nữa không.” Bạn và tôi sẽ trả lời sao?

17 tháng 10, 2019 - Hyatt Regency Hotel
Đại Hội Emmaus VIII - Orange County, CA

Tác giả: Lm Peter Trương Văn Thường HT74

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây