Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Chúa nhật 24 TN C. Cuốn theo chiều gió

Không phải ta đã mất Thiên Chúa, cũng không phải mất tổ quốc, cũng không phải mất gia đình. Ta đang lạc mất chính mình, ta đang bị cuốn theo chiều gió mà không cưỡng lại được, ta đang say vận tốc và ta đang đánh mất các giá trị cội nguồn.
Chúa nhật 24 TN C. Cuốn theo chiều gió
Suy tư Lời Chúa – Chúa Nhật 24 Thường Niên

Có những mất mát ta có thể tìm lại được; và có những mất mát chỉ có người khác tìm lại cho ta. Khi ta mất đi chính mình, chỉ có người yêu ta mới tìm lại được ta.

“…Một canh bạc cuối cùng.” Anh ta nghĩ: “Đã phóng lao thì theo lao.” Rốt cuột thần may mắn đã không nhìn tới anh. Tối hôm đó trong song bài anh đã thua sạch. Anh lại gần quầy rượu nơi khách đánh bạc có thể uống thỏa thích không phải trả tiền; anh uống thật nhiều như thể hy vọng những ly rượu mạnh xóa tan đi nỗi chán chường trong cổ họng của mình.

Loạng choạng lê bước trên hè phố lúc đêm khuya, hai chân anh quị xuống nhưng lại vẫn muốn đi. Anh không biết mình đang đi đâu, và anh không biết mình đang cảm giác gì, và anh cũng không biết mình đang muốn gì. Hai tay quờ quạng trên nền vĩa hè phố, anh muốn tìm một cái gì đó mà chính anh ta cũng không rõ.

Anh bỗng nghe có tiếng hỏi: “Này anh bạn, anh đang tìm kiếm gì đó. Anh đánh mất gì vậy?”

“Thăng bằng,” Anh ta lặp lại câu trả lời: “Tôi mất thăng bằng.” Trong cái mù mờ của tâm trí, anh buột miệng thốt ra một sự thật của chính anh.

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay nói rất nhiều về sự lạc mất: Con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất và chàng thanh niên lạc lối tìm đường trở về. Và tôi tự hỏi: con người trong thế giới hôm nay có lạc mất không? Mất những gì? Và mất cách nào?

Mất thăng bằng, mất phương hướng, mất giá trị cội nguồn, mất nền tảng luân lý, mất tình đồng loại và nhất là mất Thiên Chúa, là sự mất mát lớn lao nhất cho con người trong thế giới văn minh hôm nay; và trong sự mù mờ của lòng trí, thiên hạ tin vào sự may mắn nhiều hơn tin vào Thiên Chúa và những giá trị cội nguồn Ngài ban.

Tôi và một người bạn đang dọn nhà cho một góa phụ. Chị ta cần tay đàn ông để dọn đồ đạt qua một căn hộ khác. Trong lúc dọn dẹp, anh bạn tôi cất tiếng hát nghêu ngao với bài Ngậm Ngùi: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn qua trinh nữ ghép đôi lá sầu… Ngủ đi em mộng vẫn bình thường…” Ngay vừa lúc đó anh ta đang dọn các hộc tủ thì thấy một hộc tủ đầy ắp các vé xổ số, có thể nói là hàng trăm tờ, vốn cất giữ đã lâu. Anh bạn tôi ngưng tiếng hát, bật cười buột miệng: “Mộng này… thật không bình thường…thức dậy đi em…kẻo trái sầu rụng rơi.”

Martin Luther King, Jr có một giấc mơ; nước Hoa Kỳ cũng đang có một chương trình gọi là DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) hay còn gọi là Dream Act; nhiều quốc gia cũng có giấc mộng riêng của mình, những giấc mộng hòa bình, phát triển cũng như những giấc mộng bá chủ thôn tính các quốc gia khác. Vấn đề ở chỗ là con người có tỉnh táo đủ để cho giấc mơ được trở nên thực tại? Muốn giấc mơ của bạn được hiện thực ư? Hãy thức dậy. Chúng ta đang bị ru ngủ.

Hơn một nửa dân số của tiểu bang Florida tuần qua đã hú hồn hú vía vì sự đe dọa của cơn siêu bão Dorian. May mắn thay cơn bão dịch chuyển và trách khỏi vùng đất này, sau khi đã tàn phá toàn bộ hòn đảo Bahamas, mà sự mất mát lớn lao cho dân chúng ở đó phải mất cả chục năm sau mới phục hồi.

Tuy nhiên có một cơn siêu bão đã khởi đầu từ lâu, và đang tàn phá cả thế giới mà không mấy ai lo sợ vì con người đang mê ngủ với giấc mộng của mình. Đó là cơn bão: Chủ Nghĩa Tục Hóa (Secularism). Chủ nghĩa này lớn mạnh lên mỗi ngày do trào lưu văn hóa cấp tiến (Liberals) mà một mặt của nó là chủ nghĩa duy vật (Materialism) đã làm cho nhiều quốc gia đang mất đi ba nền móng cơ sở: Gia Đình, Tôn Giáo và Tổ Quốc, ba nền tảng có thể gọi là hạ tầng cơ cở cho thế giới của nhân loại. Nước Hoa Kỳ cũng đang có nguy cơ, hơn cả bão Dorian cho Florida, bị tàn phá do cơn siêu bão Chủ Nghĩa Thế Tục này. Có nhiều người đã cảnh báo nguy cơ này, nhưng đã có mấy người “thức dậy” để lắng nghe!

Mất của, ta còn tìm lại được; mất chính mình, ta lấy gì mà tìm lại ta? Nói về sự lạc mất, có hai cuốn phim với tựa đề: Lost in Space (Lạc mất trong không gian) và Back To The Future (trong đó con người lạc mất trong thời gian). Trong Vật Lý Học có ba khái niệm căn bản: Khoảng cách, thời gian và vận tốc (Space, Time and Velocity). Lạc mất vì khoảng cách, ta có thể tìm lại được; lạc mất do thời gian, ta có thể nhớ lại và tưởng niệm; còn lạc mất trong vận tốc, thử hỏi ta phải tìm làm sao? Đây là sự mất mát của chính mình, mất thăng bằng, mất tinh thần, càng tăng tốc ta càng mê ngủ, mất sự phán đoán, mất kiểm soát… tóm lại, mất cả chính mình…(total loss)

Ta đang ở vào thế giới kỹ thuật “bốn chấm không” khiến ta như một mũi tên phóng đi với một tốc độ chóng mặt; với điện thoại thông minh ta thu lượm hàng loạt thông tin trong chớp mắt; 4G chưa đủ và ta đang chờ thế hệ 5G; xa lộ tốc hành và xe điện hỏa tốc khiến ta không cần phải chờ đợi lâu như ngày xưa ta vẫn kiên nhẫn chờ người yêu hằng giờ và thư tình đến sau một tháng. Ta không còn ở nhà vách tre và mái tranh và thong thả quét lá sân mỗi buổi sáng gió mát, vì nhà ta đã được bê tông hóa và trang bị không khí điều hòa. Ta không còn phải nấu ăn hằng ngày với bữa cơm gia đình và rửa chén bát sau mỗi bữa ăn vì đã có sẳn các nhà hàng hoặc các dịch vụ cung cấp bữa ăn hằng ngày. Ta chỉ còn có một việc phải làm đó là kiếm cho đủ tiền cho kịp tốc độ và mực độ sống đã được thế giới và xã hội văn minh cài đặt và lập trình. Ta cảm thấy chóng mặt, một cảm giác mệt mỏi đến thích thú. Mỗi ngày đều có một cái mới để ta vui hưởng, và ta cũng không còn nhớ ta đã vui hưởng những gì ngày hôm qua. Hoan hô chủ nghĩa khoa học!

Với tốc độ này, ta không biết cuộc đời ta sẽ dài hơn hay ngắn hơn; và cũng không biết là ta đã bỏ lui xa đàng sau thế hệ cha ông, hay đang bị đẩy lùi phía sau họ. Ta chỉ thấy thấp thoáng nụ cười tươi mát bình an của họ, còn nụ cười của ta thì méo mó gượng gạo. Họ múa lượn thong thả vui vẻ, còn ta thì nhảy nhót cho kịp nhịp trống của thời trang. Với cuộc sống này, ta không biết mình may mắn hay bất hạnh. Ta mù mờ lắm! Có lẽ sự may mắn ta có được là đã có người hỏi ta: “Anh tìm kiếm gì đó? Anh đã mất cái gì?” Ta không biết ta mất gì, nhưng ta biết là ta đang mất chính mình, mất thăng bằng, mất phương hướng, mất giá trị, và mất nền tảng của hiện hữu ta: Thiên Chúa. Ta như một ngọn lao, được cài đặt và lập trình, bị bắn đi và không cưỡng lại được vận tốc của nó, tốc độ khiến ta mơ màng.

Nói về “hạ tầng cơ sở” (infrastructural), người ta chỉ thường nói đến “cầu đường” và những xây dựng bên dưới của hệ thống thoát nước. Nhưng cái hạ tầng cơ sở mà trên đó con người và xã hội được xây dựng là một hệ thống luật pháp đầy nhân bản và tôn trọng phẩm giá nhằm bảo đảm cho một nền giáo dục và văn hóa trong có con người lớn lên với những giá trị luân lý và nhân văn. Hạ tầng cơ sở này là “MƯỜI ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI”. Những phong trào cấp tiến và duy vật không chấp nhận hạ tầng cơ sở này, và tuyên truyền những hứa hẹn cho những giấc mộng đẹp cho quần chúng với sự trợ giúp của kỷ thuật tiện nghị và ảo giác của thời trang. Họ xây những tòa lâu đài trên cát trông đẹp mắt và hấp dẫn, những thứ “made” rẻ tiền.

Đây là cơn siêu bão thực sự mà con người trong thế giới hôm nay đang bị cuốn phăng đi, lạc lối, chóng mặt, và không biết mình là ai. Một sự lạc mất trong vận tốc của thời đại, sự lạc mất khiến ta không còn nhớ đến Thiên Chúa, đấng đã dựng nên ta và là nền tảng của mọi giá trị mà trên đó ta và toàn nhân loại được xây lên; ta không còn lòng yêu nước, bổn phận với quê hương và trách nhiệm với tổ quốc, vì đang mê ngủ với ý thức hệ chính trị; ta lạc mất khỏi tình gia đình và gia tộc, chỉ vì ta chỉ đơn thuần mà một đơn vị, một con số, một thành viên của một cơ cấu xã hội.

Không phải ta đã mất Thiên Chúa, cũng không phải mất tổ quốc, cũng không phải mất gia đình. Ta đang lạc mất chính mình, ta đang bị cuốn theo chiều gió mà không cưỡng lại được, ta đang say vận tốc và ta đang đánh mất các giá trị cội nguồn. Ta mệt mỏi lắm! Ta muốn về nhà! (Luca 15: 18). Ta muốn tìm lại chính mình. Ta muốn thời gian dừng lại để ta biết chính mình đang bước đi, những bước đi mà lâu lắm rồi trong cái đà phóng hiện đại ta đã mất. Có ai đó vẫn còn chờ ta trở về, người mà ta hy vọng sẽ giúp ta tìm lại chính mình. Ta phải về nhà để thực sự dùng bữa; ta phải về nhà để thực sự trò chuyện; ta phải về nhà để thấy mình trẻ lại, tìm lại tuổi thơ đã mất năm nào. Ta phải về nhà để “ta lại gặp ta.” tìm thấy chính mình.

Ta đã lạc mất quá lâu, không phải vì khoảng cách hay thời gian. Ta đã lạc mất quá lâu vì vận tốc của cuộc đời. Ta tin là sẽ có người tìm ra ta, và ta tin là sẽ có ai đó yêu ta và nói rằng: “Anh ta đã lạc mất và nay được tìm thấy.” (Luca 15: 32)

Tác giả: Lm Peter Trương Văn Thường HT74

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây