Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Lên cao nguyên. Phần 6: Hành hương Đức Mẹ Măng-Đen

Ngày 15-7-2020. Chúng tôi thức dậy và tham dự Thánh lễ sáng tại nhà nguyện Dòng Nữ Vương Hòa Bình. Thánh lễ do cha GB. Lê Văn Nghiêm chủ tế, cha Pr. Phan Văn Lợi và cha Phaolô Nguyễn Luận cùng đồng tế.
Hôm nay lễ Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ hội thánh. Đoạn Tin Mừng Matthêô (11,25-27) nói Thiên Chúa “đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” Phụ trách phần giảng lễ, cha Lợi đã trình bày về một bức tranh nổi tiếng minh họa về ý nghĩa nầy. Bức tranh vẽ nhiều nhà thông thái ngửa mặt lên trời, mắt nhìn vào cõi xa xăm. Họ đang tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng không nhìn thấy Ngài. Đàng kia cũng có một đứa trẻ đang tung tăng vui chơi trên bãi cỏ xanh điểm xuyết những cánh hoa dại đơn sơ. Thằng bé hồn nhiên, vô tư chạy nhảy, tựa hồ đang được hít thở một bầu không khí yêu thương tuyệt diệu. Thế rồi nó gặp được Chúa đang ẩn trốn sau một mô đất thấp.

Cha Phêrô diễn giải, có 3 từ với chữ “nhiệm”: bí nhiệm, huyền nhiệm và mầu nhiệm. Một, Vũ trụ vạn vật có những điều kỳ bí mà con người chưa khám phá ra, gọi là những điều bí nhiệm. Hai, Mỗi con người là một tiểu vũ trụ, không ai giống ai. Vậy không ai có thể “đi guốc trong bụng” người khác, trừ phi người đó nói ra những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm của mình. Con người là một huyền nhiệm. Ba, Con người là tạo vật mà ta còn không hiểu được, phương chi Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Tắt một lời, chúng ta không thể biết được các Mầu nhiệm về Thiên Chúa, nếu Ngài không mặc khải cho. Rồi cha Phêrô kết thúc: “Mầu nhiệm chính là ‘nổi lòng’ của Thiên Chúa”.
 
-

Cuối thánh lễ, cha Phaolô trưởng đoàn đại diện anh chị em cám ơn Nhà Dòng và Quý sơ. Vì những ngày được ở lại đây rất ấm áp và thoải mái về thể chất cũng như tinh thần. Đáp lời, Sơ Phó Bề trên cũng đã bày tỏ niềm vui được phục vụ đoàn trong thời gian qua. Nhất là được Quý cha dâng Thánh lễ và có những bài giảng hay. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Hội Dòng trong sứ vụ, noi gương Mẹ, đem bình an của Chúa đến cho tha nhân. Quý sơ cũng mong có dịp được phục vụ mọi người trong tương lai.
 
-

Sáu giờ chúng tôi dùng điểm tâm. BTC thông báo sáng nay 7 giờ sẽ đi Kontum, viếng Mẹ Măng-Đen. Thật ra, thoạt tiên trong chương trình của BTC Lớp không có mục hành hương Măng-Đen, nhưng sau đó được thêm vào theo ý kiến của Quang Hà; vì lòng mộ mến Đức Mẹ và bạn cũng chưa được viếng Mẹ Măng-Đen bao giờ. Cám ơn bạn Hà đã giúp Lớp có cuộc hành hương nhiều ơn ích tốt lành và cám ơn vì đã tài trợ toàn bộ cho mọi hoạt động của đoàn ngày 15-7 ở Kontum.

Sau khi mọi người đã chuyển hành lý lên xe và ổn định chỗ ngồi, đúng 7 giờ đoàn xe lăn bánh. Ba chiếc xe theo đường 14 hướng về Kontum, dần bỏ lại đàng sau Tp Ban Mê Thuột với nhiều kỷ niệm đẹp. Những kỷ niệm sẽ khó phai mờ trong ký ức mỗi người.
 
-

Ra khỏi thành phố, cảnh quang hai bên đường xanh hơn và khoáng đãng hơn. Những nông trường tiêu, cà-phê và những đồn điền cao su nối tiếp nhau xếp lớp từng con đồi trải dài đến tận chân trời xa tít.

Theo giáo sư Gúc-gồ, từ Tp Ban Mê Thuột ngược về hướng Bắc theo QL 14 khoảng 220 km thì đến Tp Kontum. Từ Kontum xe chạy phía Đông-Bắc thêm hơn 50 km nữa, theo đường 24, thì tới Măng-Đen.

Trên xe, chúng tôi kêu nhau đọc kinh. Lúc nào cũng vậy, cứ bắt đầu một chuyến đi là đoàn dâng lên “Nữ Vương ban sự bình an” một chuỗi mân côi. Tôi chợt nhớ có lần trong một chuyến đi khác, ai đó nói “Đọc chi cho nhiều, chỉ cần 5 kinh sốt sắng là đủ rồi”. Anh ấy đúng theo lối suy nghĩ của mình. Cơ mà tôi cứ lo sợ hàng ngày mình “tụng niệm” điều gì đó quá nhiều và cuối cùng không biết mình sẽ ra “con chuột” gì, chuột sâm hay chuột gì khác?!

Nhớ có lần tôi đi tàu lửa ra Bắc. Chuyện nầy tôi có kể đâu đó rồi. Trên băng ghế, tôi ngồi gần một sư thầy áo vàng. Với tràng chuỗi to trên tay, thầy hầu như lâm râm niệm kinh suốt cả hành trình. Mà thầy lần chuỗi rất nhanh, tay lần tới liên tục, không như mình đọc xong kinh Kính mừng mỗi hạt. Tôi tò mò nên canh lúc thầy huỡn bắt chuyện hỏi thử. Thầy cho biết chỉ tụng niệm (lặp đi lặp lại) duy nhất một câu “Nam mô A-di-đà Phật” mà thôi. Hèn chi thầy lần nhanh, mà chuỗi bên nhà Phật không có từng chặng dứt 10 kinh, nó nối tiếp nhau liên tục vòng vo như …“vòng luân hồi”.

Người ta hay nói “đọc kinh như vẹt” thì đừng đọc. Điều nầy không sai. Nhưng theo thiển ý, ít ra nó tạo được một thói quen hay phản xạ tốt. Bởi vì “đạo đức là do thói quen, thói quen là lặp đi lặp lại” (Virtue is good habit, habit is repitition). Nhiều người thời nay có thói quen mở miệng là văng tục. Thế hệ cha ông mình, nay ở miền Bắc vẫn còn nhiều người, khi gặp điều gì bất trắc thì buộc miệng kêu “Chúa tôi!” hay “Giêsu! Maria!” tự nhiên lòng dịu lại, bình tĩnh hơn vì mình có chỗ cậy trông. Còn khi lớn tiếng chửi ‘đ.m.’ thì càng thêm tức tối vì ỷ sức mình nhưng không được như ý. Rồi nhiều khi khiến tình hình thêm căng thẳng vì đụng chạm đến người khác nữa.

Điều quan trọng hơn là những câu chữ mà chúng ta tụng niệm vô tình sẽ trở thành “ý lực”. Những “ý lực” đó sẽ chi phối suy nghĩ và hành động trong đời sống con người.

Mãi thả hồn theo dòng suy nghĩ, tôi giật mình nghe ai đó nói “Đến Kontum rồi!”. Xe tiến vào khuôn viên Nhà Mục vụ giáo xứ Tân Hương. Xem đồng hồ hơn 11 giờ. Nhờ bạn Minh Phương liên hệ trước, chúng tôi ăn cơm trưa ở đây trước khi lên Măng-Đen.

Sau giờ cơm đoàn đi Măng-Đen ngay, vì ban chiều theo chương trình còn một vài nơi phải thăm viếng.

Đoàn xe chuyển bánh, và đoàn hành hương HT67 bắt đầu một cuộc hành hương mới: Hành hương lên đỉnh cao Măng-Đen; nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen địa lý, “lên đỉnh cao” vì đồi Măng-Đen có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Nghĩa bóng, quan trọng hơn, là chúng tôi đang thực hiện một hành trình thiêng liêng “lên đỉnh cao” nhân đức và thánh thiện của Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa. Để chiêm ngắm, tôn vinh, noi gương và xin ơn phù giúp. Chính vì thế tôi thích 2 chữ “hành hương” ẩn mang nhiều ý nghĩa tốt lành nầy.

Hai chữ “Hành Hương” trước hết gợi lên trước mắt chúng ta một con đường hay đúng hơn là một hành trình. Hành trình thì cần một điểm đến, một mục đích. Hành trình nầy đương nhiên không phải luôn được “rải bằng hoa hồng”, mà có nhiều gian nan cần cố gắng vượt qua. Có lẽ vì thế mà những nơi Đức Mẹ ban ơn lạ thường tọa lạc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, tận chốn thâm sơn cùng cốc.

Dĩ nhiên, không phải Thiên Chúa, hay Mẹ Maria muốn làm khó kẻ hành hương với những con đường xa xôi và đầy chông gai. Nhưng Thiên Chúa và Mẹ mời gọi chúng ta trước hết ý thức về đích đến (tựa như các tín hữu cần hướng về Quê Trời là đích đến của Đoàn Dân lữ thứ); ở đây hiểu mục đích là thăng tiến các nhân đức thánh thiện. Đồng thời cần cọng tác vào các Ơn Lạ mà Chúa và Mẹ ban cho theo lời cầu khấn của chúng ta. Sự cọng tác nầy đòi buộc nhiều hy sinh, từ bỏ và nổ lực với ơn Chúa; được minh họa bằng những hành trình gai góc.

Ngày 10-9-2011, Đức TGM Léopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh không thường trú tại VN, đã nói trong thánh lễ do chính ngài chủ tế bên Thánh tượng Mẹ Măng-Đen rằng: “Các con là cánh tay của Mẹ”. Câu nầy nay được ghi khắc vào bệ đứng của Thánh Tượng, phía sau. Theo thiển ý, câu nầy có 2 ý: Hãy là cánh tay của Mẹ để ban phát Tình Thương Chúa cho người khác, và, Hãy cùng với Mẹ thăng tiến trên đường thánh thiện (sửa đổi bản thân). Thăng tiến bản thân trước, rồi hãy cứu giúp người khác. Bởi trong một vụ đắm tàu, không ai có thể cứu người khác nếu không tự cứu lấy mình trước (vì chính mình đã chết đuối mất rồi).

Khi tham gia các cuộc tĩnh huấn của một đoàn thể về hôn nhân gia đình, tôi thường được nghe những kinh nghiệm về đời sống gia đình rất hữu ích cho bản thân. Có người thật lòng chia sẻ rằng nhiều khi những lời cầu nguyện của mình không đi đôi với hành động cụ thể thường ngày; với cách thức “khoán trắng” cho Chúa và Mẹ, kiểu như xin trúng số mà không cần mua vé số vậy. Ví dụ, người vợ đi hành hương La-vang cầu xin Mẹ cho chồng mình bớt ra ngoài ăn nhậu, dành thì giờ ở nhà với vợ con nhiều hơn. Nhưng về nhà hễ cô ta thấy mặt chồng là đay nghiến cằn nhằn dai dẳng, khiến cho bầu khí gia đình trở nên căng thẳng và bất an. Hoặc, người cha cầu xin Chúa cho con mình học hành tiến bộ hơn, nhưng cứ gặp con là mắng nhiếc “Mầy là thằng ngu!”.v.v… Thế rồi lại than vãn “Sao Chúa không nhận lời?!”. Mình không là phương tiện của Chúa, không là “cánh tay của Mẹ” thì làm sao ơn lạ được ban phát?

Xét mình, có khi đời sống của bản thân tôi cũng rơi vào mâu thuẫn đó. Ví dụ, một đàng, tôi mong muốn bình an và cầu nguyện cho sự đoàn kết hiệp nhất của mọi người trong đoàn hội; nhưng đàng khác, tôi lại đi nói xấu người nầy với người nọ, thọt bên này khích bên kia gây xáo trộn và chia rẽ giữa anh chị em mình… Như thế, có lẽ tôi đã không sống đúng ý nghĩa là một “khách hành hương” đích thực trong cuộc sống nầy. Hay, theo cách nói của Đấng Đáng Kính Hồng Y PX Nguyễn Văn Thuận, tôi không nằm trong số “Những người lữ hành trên Đường Hy vọng”. Vì tôi gieo vãi sự thất vọng, buồn chán và chia rẽ!...

Trở lại cuộc hành hương Mẹ Măng-Đen của đoàn HT67.

Ba chiếc xe ngược quốc lộ 24 chừng hơn 1 tiếng đồng hồ thì tới Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng-Đen. Tương truyền, con đường 24 khi chạy ngang qua đây phải vòng tránh ra một bên vì máy móc thi công không thể vận hành khi đến gần vị trí có đặt tượng Đức Mẹ.

Hôm nay là ngày thường ít khách hành hương nên xe được phép chạy vào bên trong khuôn viên Trung tâm. Hàng năm, vào Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15-9, có hàng chục ngàn người từ khắp nơi tập trung về đây tôn vinh Mẹ và cầu xin ơn. Dịp lễ nầy xe phải dừng đỗ ở bãi rộng phía bên dưới chân đồi.

Chúng tôi xuống xe rảo bước về phía Đài Đức Mẹ. Khu vực hành hương nằm trên đỉnh đồi. Diện tích thực tôi không được biết, nhưng nhìn bằng mắt khu đất chiều dài dọc con đường ước tính hơn 300 m, chiều rộng khoảng hơn 100 m. Tổng quan khu vực có nhiều cây rừng lớn; phía Bắc là Nhà thờ Đức Mẹ Măng-Đen xây trên nền cao với mái ngói đỏ đổ xuôi theo phong cách dân tộc Tây nguyên; trước nhà thờ tầm 150 m là Đài Đức Mẹ; cách 30 m bên cạnh là nhà nguyện mái tôn, chỉ che chắn tường phía trên cung thánh.

Đài Đức Mẹ trên nền cao, có mái che hình bát giác bằng ngói, các góc cạnh vuốt cong kiểu Á Đông. Mái có sườn bằng gỗ, đặt trên 8 cột gỗ lớn, chung quanh không có tường che. Chính giữa đài là Tượng Đức Mẹ cao khoảng 1 m, trang phục bên ngoài giống Mẹ Fatima. Tượng được đặt trên một chân đế bằng đá cao chừng 1,50 m.
 
hoan thien 67 010

Điểm đặc biệt là Đức Mẹ Măng-Đen không có 2 tay. Theo các tài liệu ghi chép lại thì tượng Mẹ được một linh mục đưa lên bằng trực thăng và đặt đỉnh đồi nầy vào khoảng năm 1960 thời Đệ nhất Cộng hòa. Sau đó chiến tranh lan rộng, và vùng nầy bị tàn phá do hỏa lực của các bên tham chiến. Tượng Đức Mẹ bị bỏ quên từ đó. Tương truyền đến mãi năm 2004, khi thi công đoạn đường qua đây người ta mới tìm lại được bức tượng. Tháng 8 năm 2006, một người Công giáo đi ngang qua vị trí nầy có nghe kể chuyện tượng Mẹ, đã về báo cáo với Tòa Giám mục Kontum. Và ngày 28-12 năm đó Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, GM Kontum, đã dẫn phái đoàn kính viếng tượng Đức Mẹ. Một năm sau, 9-12-2007, Đức cha Micae cùng với các linh mục và đông đảo giáo dân đã dâng Thánh lễ long trọng Kính Đức Mẹ tại đây. Kể từ đó, Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng-Đen trở thành điểm đến của các đoàn hành hương từ khắp mọi miền đất nước.

Chúng tôi quây quần dưới chân Đức Mẹ và dâng lên tràng chuỗi mân côi với các chặng suy niệm Năm Sự Thương. Kinh cầu Đức Mẹ Sầu Bi Măng-Đen cũng được xướng lên để nhắc nhở mỗi người cần “phải tiếp tục con đường Thập giá – Vinh quang của Chúa” và noi gương Mẹ “chúng con lên đường loan báo Tin Mừng bình an”. Điệp khúc “Chúng con xin được cùng Mẹ tôn vinh Chúa” được lặp lại sau từng ý nguyện
 
-

Trong bầu khí lặng thinh thiêng liêng sau đó, chúng tôi mỗi người thầm thỉ cầu xin những ơn cần thiết cho mình, cho người thân và cho người khác. Nhất là xin Mẹ luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống, giúp chúng con trở thành đôi “cánh tay của Mẹ” để thăng tiến trên đường thánh thiện và đem Tình Thương Chúa đến cho tha nhân. Amen.
 
-

Sau khi chụp hình lưu niệm chung, chúng tôi lên xe xuôi về thành phố Kontum. Xuôi về phố thị thì tất nhiên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngồi trên xe tôi cứ miên man về đôi cánh tay cụt của Đức Mẹ Măng-Đen…
 
-

Về đến thành phố, đoàn xe chạy thẳng đến Tòa Giám mục Kontum, vì qua bạn Minh Phương, chúng tôi có cái hẹn lúc 2 giờ chiều với Đức cha Aloisio.

Tòa Giám mục Kontum tọa lạc nơi điểm cao của ngọn đồi thấp, có thể nói ở vị trí đắc địa của khu vực. Khuôn viên TGM khá rộng và phủ trọn màu xanh cây lá. Qua khỏi cổng vào là lối đi 2 bên có 2 hàng sứ già cỗi rất đẹp và thơ mộng. Cuối lối vào là khu nhà ngang có lối kiến trúc pha trộn giữa Tây phương và phong cách dân tộc bản địa. Một bức tượng Đức Mẹ bồng Trẻ Giêsu với trang phục dân tộc được đặt ngay chính giữa phía trước dãy nhà.
 
-

Chúng tôi rẽ trái và vòng ra phía sau để đến phòng tiếp khách của Đức Giám mục Giáo phận. Lúc chúng tôi vừa ổn định thì Đức cha Aloisio cũng vừa xuất hiện. Ngài vui vẻ bắt tay các Cha và đưa tay vẫy chào mọi người.

Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị sinh năm 1952, là Giám mục chính tòa Kontum thay thế Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đã về hưu. Ngài sinh ra trong một gia đình đạo đức có 7 người con, nhưng có đến 6 người dâng mình cho Chúa; trong đó có 3 linh mục và 3 nữ tu. Đức cha Aloisiô được thụ phong linh mục năm 1990. Và năm 2015, ngài được ĐTC Phanxicô sắc phong Giám mục Gp Kontum, khi Tòa thánh đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của ĐC Micae theo giáo luật. Khẩu hiệu GM của ĐC Aloisiô Nguyễn Hùng Vị là “Lòng Mến trong Sự Thật” (Caritas in Veritate).

Tôi thích khẩu hiệu nầy và khi tiếp xúc tôi cũng thích con người của Đức cha Aloisiô. Bởi lẽ trong thực tế khẩu hiệu và con người là một. Sau khi cha Trưởng đoàn có đôi lời kính chào thăm, Đức cha chủ nhà có lời đáp từ. Ngài vinh hạnh chào đón quý Cha và anh chị em trong đoàn, đồng thời ngài cũng cho biết những thông tin điển hình trong Giáo phận và việc tiếp tục xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng-Đen. Đức cha Aloisiô có phong cách bình dân, rất chân tình và khiêm tốn. Ngài xưng hô với các Cha trong đoàn là “con” và “các Cha cố”. Ngài có lối nói chuyện duyên dáng và vui vẻ đem lại cảm giác thoải mái và gần gũi cho người đối diện. Nhất là dể dàng chiếm được lòng quý mến của mọi người. Riêng tôi hoàn toàn bị thu phục vì phong thái tự nhiên, chân tình và khiêm nhu của Vị Chủ chăn nầy.
 
-

Đa số những bậc vị vọng tôi có dịp gặp gỡ cho đến nay đều có phong thái đĩnh đạc và bệ vệ. Dĩ nhiên điều nầy hoàn toàn không có gì sai. Nhưng hình thức “official” nầy khó đem lại bầu khí ấm cúng. Thậm chí thái độ có vẻ “phòng thủ” nhiều khi vô tình vạch ra một ranh giới ngăn cách giữa mình với người anh em.

Tôi muốn thêm một hai dòng về hai chữ “quyền lực”. Đương nhiên cũng vẫn chỉ là cảm nhận tâm lý cá nhân thường tình. Trong thực tế, những người có toàn quyền, có thể chỉ trong vô thức, thường nhầm tưởng mình là toàn năng, toàn tri, toàn trí, rồi dẫn đến toàn trị. Những người có quyền cũng thường bị cám dổ sử dụng quyền lực của mình để “chốt hạ” vấn đề gì đó phức đi cho khỏi bận tâm. Một cách hấp tấp, nóng nảy và tự đại. Đó là quyền của họ…
 
-

Nhưng Đức Giêsu luôn hiền lành và khiêm nhượng dù Ngài là Vua trời đất. Ngài chậm giận và giàu tình thương. Tôi nghĩ có lẽ Đức Giêsu luôn hiền lành, từ tốn, bao dung vì Ngài đã chấp nhận sứ mạng của mình là chết đi để cứu nhân loại. Ngài biết đường lối của mình là Đau khổ đến Vinh quang. Ngài biết mình sẽ sống lại để mở đường cho con người được tham dự vào sự sống muôn đời. Còn con người trần tục thì nhiều khi dùng quyền lực mình có, với danh nghĩa “khôn ngoan” đôi khi bị tục hóa, để kín đáo mưu cầu cái gì đó dể dãi riêng tư và hy vọng được kéo dài thêm sự tồn tại phù du cát bụi của mình.
 
-

Vẫn biết dung hòa cho được quyền lực và tình thương là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng tôi vẫn chủ trương cho mình rằng “Only Love Matters”! (không phải “Black lives matter”, hơ!..hơ!…). “Only Love Matters” vì Kitô giáo là Đạo Tình Thương. “Only Love Matters” vì Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng Tình Thương…

Sau một lúc cha con chuyện trò thân tình vui vẻ, chúng tôi kéo ra ngoài chụp hình chung với Đức cha Aloisiô. Và kính chào tạm biệt ngài…
 
-

Rời Tòa Giám mục, xe chạy về Nhà thờ gỗ. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy tháp chuông cao vút hiên ngang vươn mình trên nền trời thấp nổi trôi những cụm mây xám của mùa mưa trên cao nguyên. Thánh giá cứu độ của Đức Giêsu ngự trị trên chóp đỉnh tháp nhọn. Nhà thờ lợp mái ngói, bên ngoài phủ lớp sơn màu xám đậm và các đường nét hoa văn màu cổ đồng làm cho công trình dể thu hút ánh nhìn của khách tham quan.
 
-

Đây là Nhà thờ chính tòa của Gp Kontum, được xây dựng xong vào năm 1918. Công trình nầy được thiết kế theo kiến trúc Roman pha trộn thêm các đường nét mang phong cách dân tộc Ba-na. Ngoài nền móng xi-măng, toàn bộ nhà thờ được làm bằng gỗ quý, do các tay thợ mộc lành nghề được chiêu mộ từ các nơi về thi công xây dựng. Đây là một công trình đẹp và quý giá, đã qua một thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên vẹn giữa đất trời Tây nguyên lộng gió.

Mọi người giúp nhau chụp ảnh với Nhà thờ gỗ làm nền theo các góc nhìn khác nhau.
 
-

Địa điểm thăm viếng tiếp theo và cũng là cuối cùng của đoàn ở Kontum là Cô nhi viện Vinh-sơn. Nơi nầy nằm ngay phía sau Nhà thờ gỗ, chỉ cách một bức tường. Khi đoàn 67 do các Cha dẫn đầu vừa bước qua khỏi cổng thì các em nhỏ, tuổi đã biết đi đến chừng 5 sáu tuổi, ùa ra vây quanh mọi người. Các em hồn nhiên níu áo người nầy níu tay người khác như những người thân. Các em mồ côi thật dễ thương! Các em không có người thân và bây giờ tất cả những người các em gặp gỡ đều trở nên thân thuộc với mình! Có vẻ khập khểnh, nhưng nhiều khi chúng ta cần từ bỏ cái gì đó “thân thiết” với mình để mở rộng vòng tay đến với tha nhân. Có lẽ đây là một trong những ý nghĩa mà Chúa Giêsu đòi buộc phải từ bỏ “cha mẹ vợ con” để bước theo Ngài.
 
-

Bạn Đức Long trước đây thỉnh thoảng đi “tour” lên Kontum và Cô nhi viện nầy là nơi các du khách thường ghé thăm. Long nói các em ở đây rất thích được bồng bế, mà khi được bồng lên rồi thì đứa trẻ bám chặt không muốn rời bỏ. Các em thiếu tình thương của cha mẹ. Các em thèm một mái ấm gia đình. Các em thèm một vòng tay âu yếm… Một số bạn xúc động cúi xuống bồng bế các cháu trên tay. Có người “tham lam” ôm 2 tay 2 cháu.
 
-

Cô nhi viện Vinh-sơn 1 do các Sơ thuộc Dòng Ảnh Phép Lạ phụ trách. Hội Dòng nầy được Đức cha Jean Sion thành lập, qua sắc dụ của Tòa Thánh, năm 1947. Mục đích là thánh hóa bản thân và loan báo Tin Mừng; qua linh đạo Thánh Mẫu Học. Với sứ mạng: nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, đặc biệt anh chị em dân tộc thiểu số. (Bấm vào đường dẫn sau để biết thêm: https://giaophankontum.com/tin-tuc/giao-phan-kontum/doi-net-lich-su-hoi-dong-anh-phep-la)

Cơ sở nầy có 5 Sơ coi sóc (Các Sơ Dòng Ảnh Phép Lạ đều là người dân tộc). Một Sơ còn rất trẻ, tầm trên dưới 30) ra tiếp đón đoàn. Sau khi giới thiệu đôi nét về cộng đoàn cô nhi, Sơ qui tụ các em ngay ngắn hàng lối và hát tặng quý Cha và mọi người một bài hát tiếng dân tộc. Không ai hiểu ý nghĩa bài hát, nhưng cảm nhận được sự đơn sơ và lòng chân thành của các em. Riêng bầu trời mơ ước thì mọi người có thể nhìn thấy qua những ánh mắt ngây thơ!...

Tạ ơn Chúa và cám ơn các Sơ! Người ta gọi những đứa trẻ không có cha mẹ là cô nhi. Nhưng ở đây các em may mắn có các Sơ như những người mẹ thật sự. Người mẹ có cung cách gần gũi, thân thiết, và cảm thông. Người mẹ bảo ban, hướng dẫn, nuôi nấng các em cách dịu dàng âu yếm. Và trên hết, những người mẹ nầy đang diễn tả tình thương của Chúa đối với con cái mình.

Là “chuyên gia” giữ cháu, tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ các Sơ. Vì chỉ trông có một hai đứa cháu mà nhiều lúc tôi muốn phát điên. Còn các Sơ phải chăm sóc đến hàng trăm cháu…

Trước khi từ giã, bạn Hà đã thay mặt đoàn gởi đến các em, qua Sơ phụ trách, chút quà nhỏ biểu trưng cho lòng thương mến. Cám ơn bạn Hà vì lúc nào cũng vậy, không có bạn thì mọi việc không được trọn vẹn…
 
-

Chúng tôi lên xe quay về Nhà Mục vụ xứ Tân Hương, nơi đoàn sẽ lưu trú qua đêm.

Sau giờ cơm tối ở Nhà mục vụ, anh chị em vùng Quảng Thuận – Cam Ranh phải quay về ngay trong đêm. Người đi kẻ ở bịn rịn chào nhau, dù biết rằng cũng chỉ ngày mai thôi là tất cả ai về nhà nấy.

Cám ơn anh chị em vùng Quảng Thuận – Cam Ranh, vì thành công của Hội Ngộ là sự góp sức của tất cả mọi vùng miền. Đặc biệt, xin cám ơn những món quà mà các bạn đã tặng cho từng người trong đoàn HT67. Những món quà đơn sơ nhưng quý giá vì gói ghém nhiều tình nghĩa huynh đệ.

Mọi người ra tận nơi vẫy tay chào tạm biệt. Chiếc xe 16 chỗ dần mất hút trong màn đêm. Nhưng ai cũng biết rằng rạng sáng ngày mai, khi mặt trời vừa ló dạng, họ sẽ về đến nhà…

Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây