Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Lên cao nguyên. Phần 4: Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục

Nhìn Cha Phêrô Trần Ngọc Anh một mình đứng giữa cung thánh với bó hoa trên tay, tự nhiên tôi nghe trong lòng dậy lên những cảm xúc trái ngược nhau. Vinh quang và Đau khổ.
hoan thien 67 02
 
4. Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục.

Ngày 14-7-2020. Mọi người thức dậy lúc 5 giờ sáng. Bầu khí hôm nay sao rộn rã khác thường. Hân hoan trong tâm trí và rạng rỡ ngoài khung cảnh. Bầu trời xanh ngắt, những tia nắng mai lấp lánh trên ngọn cây, từng đợt gió nhẹ vuốt ve cành lá, những chú chim sâu nhún nhảy trên lùm cây và ríu rít tiếng ca… Vạn vật rạng rỡ, reo vui và hữu tình thắm sắc.

Quý ông đã tề chỉnh trong trang phục áo trắng, quần sẫm màu và cà-vạt CCS Hoan Thiện. Quý bà dịu dàng trong những tà áo dài muôn sắc thướt tha. Những tà áo dài xinh đẹp xuất hiện như thu hút sự chú ý của mọi loài tạo vật. Tất cả rút lui đàng sau để tôn vinh vẻ tuyệt mỹ của người phụ nữ, là tác phẩm độc đáo của Thượng Đế. Có những ống kính tranh nhau ghi lại các khoảnh khắc thăng hoa.

Sau khi điểm tâm, 8 giờ chúng tôi lên xe đến Nhà thờ giáo xứ Châu Sơn, nơi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn 25 Năm Linh Mục của cha Ngọc Anh.

Trong khuôn viên Nhà thờ, khung cảnh lễ hội đập vào mắt chúng tôi. Cờ, hoa, bóng bay, nhà rạp… Và dòng người từ muôn phương dìu dập đổ về. Trước tiền đường Nhà thờ treo băng-rôn lớn có hàng chữ “THÁNH LỄ TẠ ƠN NGÂN KHÁNH LINH MỤC – LINH MỤC PHÊRÔ TRẦN NGỌC ANH”.

Chúng tôi tranh thủ từng nhóm chụp ít khuôn hình kỷ niệm quanh Nhà thờ và các tượng đài.
 
-

Gần tới giờ Lễ, đội kèn đồng cất lên các giai điệu thánh ca nhịp 2/4 rộn rã, như thúc giục mọi người nhanh chóng vào Nhà thờ chuẩn bị hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn. Các dãy ghế trong nhà thờ không còn chỗ trống, người ta phải ngồi ra cả hành lang 2 bên. Ước tính số giáo dân và khách mời tham dự Thánh lễ là trên 1.100 người, chưa tính các Linh mục. Đoàn HT67 vinh dự được BTC dành cho một số hàng ghế phía trước nên có thể nhìn thấy rõ ràng Bàn thờ và các Linh mục đồng tế.
 
-

Đúng 9 giờ, đoàn rước phụng vụ từ từ tiến vào Nhà thờ trong lời ca tiếng nhạc của bài hát nhập lễ “Mừng 25 Năm Linh Mục” do ca đoàn các Thầy ĐCV hợp xướng. Dẫn đầu đoàn rước là Thánh Giá đèn hầu, theo sau là gia đình linh tông huyết tộc của cha Phêrô, tiếp đến là các linh mục đồng tế, và sau cùng là Đức cha Vinh-sơn, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Chủ tế Thánh Lễ. Đoàn rước như xuất phát từ cõi vô cùng cứ tiến vào, tiến vào mãi không hề dứt, vì ngoài thân tộc đông đúc của cha Phêrô, có đến 200 vị Linh mục cùng đồng tế.
 
-
 
-

Đầu Thánh lễ, Đức Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn phụng vụ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về Hồng Ân Ngân Khánh Linh Mục của cha Phêrô Trần Ngọc Anh. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận một Linh mục đạo đức, thánh thiện, say mê học hỏi về Chúa và chia sẻ những hiểu biết của mình cho người khác. Xin Chúa cho Cha Phêrô luôn nhiệt thành, quảng đại tiếp tục phục vụ công việc đào tạo của Giáo Hội. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho 2 người anh em Linh mục trong giáo xứ cùng chịu chức một lần với Cha Phêrô, – Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đình Sang và Cha Phaolô Nguyễn Công Minh, nhưng nay đã được Chúa gọi về.
 
-

Sau bài Tin Mừng thánh Gioan (12,23-26), Cha Gioan Bùi Quang Đạo, Quản xứ Châu Sơn đã dùng chính quãng đời 25 năm chan chứa Hồng Ân của cha Phêrô Trần Ngọc Anh để minh họa về ý nghĩa của các bài đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ.
 
-

Sách Huấn Ca viết “Tôi xưng tụng Danh Chúa, vì Chúa phù trợ và bảo vệ tôi… Tôi tín thác và đặt trọn cuộc đời vào bàn tay Chúa”. Cha Phêrô chào đời năm 1956 tại Đà Nẵng, nhưng quê gốc Hà Tỉnh. Ngài sinh ra trong một gia đình đạo đức và có tuổi thơ an lành trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Thế rồi, biến cố tháng 4 năm 1975 đã làm đảo lộn xã hội và cướp đi nếp sống thanh bình của rất nhiều gia đình. Bản thân cha Phêrô lúc đó cũng phải đối diện với nhiều khó khăn trong đời sống, cũng như việc theo đuổi lý tưởng linh mục. Tuy nhiên, với đức tin mạnh mẽ và lòng cậy trông vững vàng, nhất là với con tim “không ngủ yên”, chàng thanh niên với dáng dấp gầy gò kia đã can đảm đương đầu với nghịch cảnh; hăng say lao động nuôi sống gia đình, nhiệt tình dấn thân phục vụ tha nhân qua nhiều công việc đạo đời, đồng thời không quên tranh thủ thời gian để học hỏi và rèn luyện tri thức. Thời gian dần trôi, dù thế sự thăng trầm hay dòng đời thay đổi, chàng thanh niên ấy vẫn luôn nung nấu và nuôi dưỡng ước mơ được bước theo chân Đức Giêsu, Người Thầy Chí Thánh. Và cuối cùng, sau gần 2 thập kỷ đợi chờ, vào năm 1993, cánh cửa hy vọng đã rộng mở, chàng trai ấy được tiếp tục tu học tại ĐCV Sao Biến - Nha Trang. Thầy Phêrô chịu chức Linh Mục ngày 24-8-1995. Bàn tay Chúa luôn đỡ nâng, che chở những ai tín thác vào Ngài. Trong suốt 25 năm qua, nhờ ơn Chúa, người tôi tớ trung tín vẫn âm thầm và miệt mài phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong việc mục vụ của một linh mục và cộng tác vào việc đào tạo các mục tử tương lai cho Giáo Hội.
 
-

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24). Đức Giêsu đã xác định một quy luật khắc khe của Tin Mừng, xem ra khó chấp nhận với con người thời nay. Thế nhưng cha Phêrô đã chọn câu Tin Mừng nầy làm châm ngôn cho đời sống. Đời sống tín thác vào Chúa, đời sống gieo vãi yêu thương và nhiệt tâm phục vụ mọi người.
 
-

Cha xứ kết thúc: “Xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót tôn vinh người anh em trong Hồng Ân 25 năm Linh Mục”. Ngài mời cộng đoàn vỗ tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng, và bày tỏ lòng biết ơn, lòng quý mến với Cha Phêrô.

Sau bài giảng, cộng đoàn cùng hiệp dâng Lời nguyện tín hữu với các ý sau:

Cầu cho các Vị chủ chăn có đời sống thánh thiện, khiêm tốn, khôn ngoan và hiền lành. Cầu cho Giáo xứ luôn sống yêu thương hiệp nhất, cho người trẻ biết mở lòng lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa. Cầu cho Ông Bà Cha Mẹ và những người thân yêu, ân nhân, bạn hữu của Cha Phêrô. Cầu xin Chúa gìn giữ, hướng dẫn, nâng đỡ và đồng hành để Cha Phêrô được trọn niềm hạnh phúc trong đời Linh mục.
 
-

Bước sang phần Phụng vụ Thánh Thể, đoàn dâng lễ tiến lên cung tiến lễ vật trong giai điệu trang trọng của bài hát “Hiến Lễ Tình Yêu” (Phanxicô) mang âm hưởng dân ca. “Đền vàng vang điệu nhạc cung tiến. Con đến tiến dâng tình yêu. Tiến dâng ước mơ và xác hồn, nguyện như lễ dâng toàn thiêu…”.

Sau khi Đức Cha Vinh-sơn đọc lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ đại diện Giáo xứ đọc diễn từ chúc mừng Cha Phêrô Trần Ngọc Anh nhân Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục.
 
-

Tiếp đến, anh GB. Trần Thanh Sơn (HT68), bào đệ của Cha Phêrô, thay mặt gia đình và thân tộc lên đọc bài chúc mừng người anh thân yêu của mình. Xin trích một đoạn ngắn: “Hôm nay một phần tư thế kỷ tròn, kỷ niệm Ngân khánh thụ phong Linh mục, chắc hẳn anh còn nhớ như in cái thuở mà thi sĩ Hồ Dzếnh đã viết “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” đó. Ngày anh lãnh nhận Thánh chức là một ngày tuyệt hảo, nhưng còn có những ngày đẹp hơn thế, chính những tháng năm anh đã và đang sống tận trung, tận hiếu, tận lực hy sinh,… vì lợi ích của đoàn chiên, của Giáo hội, và cả những tháng ngày sắp tới là những ngày đẹp nhất và hạnh phúc nhất. Hai mươi lăm năm, không phải là dài so với lịch sử của Giáo xứ Châu Sơn này, nhưng là một quãng thời gian đáng kể và đáng để suy gẫm của một đời người, đặc biệt “đời Linh mục”. Bên ánh hào quang của cuộc “đời Linh mục” luôn ẩn hiện bóng Thánh giá; dung mạo anh đã kém sắc, thân xác anh cũng đã hao mòn, đôi chân anh đã rướm máu, khi mãi dõi bước theo Thầy Giêsu, đó là hình ảnh đẹp nhất của những con người phục vụ…”
 
-

Những đóa hoa tươi thắm biểu trưng cho sự tôn vinh, lòng quý mến và biết ơn được các đại diện cộng đoàn dâng tặng lên Đức Cha Vinh-sơn và Cha Phêrô.
 
-
 
-

Nhìn Cha Phêrô Trần Ngọc Anh một mình đứng giữa cung thánh với bó hoa trên tay, tự nhiên tôi nghe trong lòng dậy lên những cảm xúc trái ngược nhau. Vinh quang và Đau khổ. Có lẽ Thanh Sơn, người em thân thiết của Cha cũng đã cảm nhận như thế khi tâm sự với Anh mình “Bên ánh hào quang của cuộc “đời Linh mục” luôn ẩn hiện bóng Thánh giá…”. Tôi liên tưởng đến Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Tôi nhớ tới câu Tin Mừng mà Cha đã chọn làm châm ngôn “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”(Ga 12,24).

Cuối cùng, Cha Phêrô đọc bài đáp từ với tâm tình cảm tạ.
 
-

Ngài tạ ơn Chúa vì Lời Chúa phán đã được ứng nghiệm trên chính cuộc đời mình: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái… vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái…” (Mc 10,28-31). Ngài nói “Vâng, con đang thấy tận mắt phần thưởng Chúa hứa: tất cả những người có mặt trong ngôi thánh đường này chính là những anh em, chị em, cha mẹ và con cái mà Chúa đã thương ban cho con.”
“Giờ đây, tâm hồn con tràn ngập niềm vui tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã bày tỏ tình yêu dành cho con, qua trung gian của những con người:”


- Trước hết, ngài cám ơn Đức Cha giáo phận đã chủ tế Thánh lễ Tạ ơn này. Đức Cha không chỉ là một người cha tốt lành, mà còn là một người bạn.

- Cám ơn Cha Tổng Đại diện Stêphanô, Quý cha Hạt trưởng, Quý linh mục trong và ngoài giáo phận. Ngài rất xúc động khi thấy sự hiện diện thật đông đảo của quý cha, nhiều ngoài sức tưởng tượng của mình. Đặc biệt cám ơn Cha chính xứ và Cha phó.

- Cám ơn Đức Ông Giuse Lê Văn Sỹ, TĐD giáo phận Nha Trang và cha GB. Lê Quang Quý, thuộc TGP Huế, là hai người anh linh tông của ngài.

- Ngài xúc động cám ơn bốn vị ân sư thời con còn tu học ở Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế: Cha Giuse Trần Văn Lộc, cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ và cha Phêrô Lê Văn Nghiêm.

- Cám ơn sự hiện diện quý báu của Quý Tu sĩ nam nữ.

- Cám ơn quý thầy cô giáo trường PTTH Buôn Ma Thuột và rất nhiều học trò cũ.

- Cám ơn Quý bà con nội ngoại, xóm giềng, bạn bè thân quen, đã thu xếp công việc, thời gian để cùng với ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

- Cám ơn sự hiện diện của Quý HĐGX Châu Sơn, các ban ngành đoàn thể cùng các giáo họ.

- Sau cùng, Cha Phêrô cám ơn Quý thầy ĐCV Sao Biển. Ngài bộc bạch: ”Có người thầy nào không hạnh phúc khi được học trò vây quanh, trong những ngày đặc biệt của đời mình. Cám ơn quý thầy đã sốt sắng cầu nguyện, đã dâng lễ, giúp lễ, và đã hát thật hay, thật sốt sắng. Mong các thầy luôn vững bước trên hành trình ơn gọi”. Lời tâm sự của Cha giáo với học trò của mình đôi lúc bị ngắt quãng vì cảm xúc trào dâng.

Mượn lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Cha Phêrô nói tiếp: “Hai mươi lăm năm linh mục, với bao nhiêu hư hèn, bất trung. Chỉ nhờ ơn Chúa tôi mới cảm thấy đời sống nội tâm của tôi còn lành mạnh… Vì thế, ngày lễ TẠ ƠN hôm nay, thưa CĐPV, đối với tôi, cũng phải là ngày TẠ LỖI: tạ lỗi với Chúa, tạ lỗi với tha nhân… Tuy nhiên, dù ý thức rất rõ về vô số thiếu sót lỗi lầm trong sứ vụ linh mục của tôi, tôi vẫn vui phục vụ trước lời mời gọi của Thiên Chúa”.

Cha Phêrô kết thúc: “Xin Đức Cha và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa thêm lời cầu nguyện để con được mãi trung tín với sứ vụ linh mục trong quảng đời còn lại và luôn vui phục vụ Thiên Chúa và tha nhân”.

Sau các bài diễn từ, Đức Cha chủ tế ban phép lành của Chúa kết thúc Thánh lễ Tạ ơn.

Từng nhóm người lần lượt chụp hình lưu niệm với Cha Phêrô trước cung thánh…
 
-
 
-

Riêng tôi, nếu phải trình bày diễn tiến và ý nghĩa của Thánh lễ Tạ ơn nầy chỉ bằng ít khung hình đẹp và cô đọng nhất, tôi sẽ chọn các khoảnh khắc sau:

1. Hình ảnh 200 linh mục đồng tế và đông đảo giáo dân tham dự. Điều nầy chứng tỏ Cha Phêrô được nhiều người thương mến và quý trọng. Bằng sự trong sáng và lòng chân tình, ngài đã tạo dựng được những mối tương quan tốt đẹp. Tôi muốn gọi ngài là “người gieo vãi yêu thương”. Vì, gieo gì thì gặt nấy.
 
-
 
-

2. Cha Phêrô công bố Lời Chúa. Rao giảng Lời Chúa là sứ vụ của Linh mục. Trong Thánh lễ nầy, cha Phêrô đã đọc đoạn Tin Mừng (Ga 12,23-26) mà chính ngài đã chọn làm châm ngôn cho đời sống. Cha Phêrô đã rao giảng Lời Chúa bằng chính đời sống chứng tá của mình.
 
-

3. Khuôn hình Cha Phêrô đứng cạnh Đức Cha Vinh-sơn và các Linh mục đồng tế trên bàn thờ. Hình ảnh nầy thật cao cả, long trọng và ý nghĩa; vì Vị tư tế khi dâng lên Thiên Chúa của lễ quý trọng là chính Đức Giêsu Hiến Tế làm Lễ Tạ Ơn, thì cũng dâng chính đời sống của mình. Với những đau khổ hy sinh, những nổ lực dấn thân và cả con người yếu đuối.
 
-

4. Anh Trần Thanh Sơn bày tỏ tâm tình với anh mình là Cha Phêrô. Tâm tình nầy là lòng quý mến, sự vinh dự và lòng ngưỡng mộ. Khoảnh khắc nầy dẫn tôi đến đoạn Tin Mừng (Mt 12,46-50) khi Chúa nói “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” Rồi Ngài xác định “Đó là người thi hành ý muốn của Cha tôi”. Vậy, theo mạch văn của bài diễn từ, tôi cảm nhận được lòng quyết tâm của anh Thanh Sơn, – đại diện cho gia đình và người thân, sẽ cố gắng noi gương Cha Phêrô để thăng tiến trên đường nên thánh.
 
-

5. Cha giáo Phêrô xúc động tâm sự với các Thầy ĐCV. Dòng tâm sự như một lời tỏ tình công khai. Lời tỏ tình thật lãng mạn nhưng cũng ẩn chứa các nỗi niềm. Tình thương và nỗi niềm ẩn chứa tuôn trào qua khóe mắt của Cha giáo Phêrô; vị linh mục có trái tim không ngủ yên và luôn tận tâm tận tụy với công việc được giao phó.
 
-

6. Hình ảnh Cha Phêrô một mình đứng giữa cung thánh với bó hoa trên tay. Tôi muốn đặt tên cho hình ảnh nầy là “Từ đau khổ tiến tới vinh quang”. Khung hình nầy làm tôi nhớ đến chương 2 trong thư Philipphê (6-11); đoạn nầy chúng ta được nghe trong ngày Thứ sáu Tuần Thánh và Chúa nhật Lễ lá: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.
 
-
 

Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây