Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Lên cao nguyên. Phần 1: Lên đường

Lên cao nguyên. Động từ “lên” có nghĩa là di chuyển đến một vị trí hay trạng thái cao hơn. Ví dụ: lên núi, lên tinh thần… Động từ “lên” cũng gợi cho chúng ta cái gì đó tốt đẹp, cao cả, quan trọng và cần thiết.
Lên cao nguyên. Phần 1: Lên đường
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường lên núi cao để bày tỏ những điều quan trọng. Ví dụ: Chúa công bố Tám mối phúc; Chúa biến hình; Chúa nói "Khi nào Ta được treo lên, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ta" (Ga 12,32)

Thật ra, tôi đã nhiều lần đi Ban Mê Thuột (BMT) trước đây, nhưng chỉ trong khuôn khổ sinh hoạt một hội đoàn mà thôi. Lần nầy, chúng tôi lên vùng cao nguyên nầy với mục đích khác đặc biệt hơn: Chúc mừng và chia vui với một Cha bạn trong Ngày Tạ Ơn Hồng Ân 25 Năm Linh Mục, đồng thời tranh thủ tham quan một số điểm du lịch đặc thù của địa phương.

1. Lên đường.

67 Huế hẹn nhau tại nhà thờ Dòng CCT, đường Nguyễn Huệ. Đúng 2 giờ chiều CN 12-7-2020, chiếc xe mang biển số 75-01823 lăn bánh. Sau đó, chúng tôi đến Nhà Chung, 6 Nguyễn Trường Tộ đón các Cha. Chuyến đi nầy, đoàn Huế vinh dự có 5 Cha đồng hành: Cha Pr. Nguyễn Hữu Giải, nguyên BT. TCV Hoan Thiện; Cha GB. Lê Văn Nghiêm; Cha Aug. Nguyễn Văn Dụ; Cha Pr. Lê Văn Lợi; và Cha P. Nguyễn Luận (Trưởng đoàn).
Anh em chúng tôi gồm: vợ chồng Long-Cúc, vc Thắng-Vi, vc Phương-Trân + con trai, vc Hảo-Tuyết, Huỳnh Dũng, Tr. văn Dũng, Thần, Đặng Hòa và Ngọc con gái Sử. Như vậy là 14, cộng 5 Cha vị chi đoàn có 19 người. Thêm 2 tài xế nữa; đường xa hiểm trở mà có người thay phiên cầm lái thì khá yên tâm. Tổng cộng trên xe có 21 người.
 
-

Bây giờ, chiếc xe car 30 chỗ ngồi màu trắng tiến ra QL.1 và bắt đầu hành trình có điểm đến là phố núi BMT, với đoạn đường hơn 600 km dần hướng lên cao. Daklak có độ cao trung bình trên dưới 600 m so với mực nước biển.
 
-

Xe chạy được khoảng 10 cây số, đến đoạn Phú Lương, Cha Nghiêm (TB Phụng vụ) xướng kinh dâng 1 chuỗi Mân Côi cho Đức Mẹ, xin ơn bình an. Chúng tôi dâng cuộc hành trình trong bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria. Có lẽ Đức Mẹ đã tỏ bày cụ thể sự bảo trợ của Ngài cho đoàn con cái, khi nhìn lại chuyến đi có quá nhiều sự việc liên quan đến Mẹ. Ví dụ như: Anh em 67 được lưu trú tại Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình; hành hương Mẹ Măng Đen; các câu chuyện kể trên đường về Đức Mẹ và Kinh Kính Mừng của các Cha trong đoàn; Anh em chia tay vào Thứ năm 16-7 là Lễ Đức Mẹ Carmêlô…

Qua địa phận tỉnh Quảng Nam một đoạn, xe rẽ về hướng Tây đi vào QL 14 là con đường chính dẫn đến các tỉnh cao nguyên. Mặt đường bây giờ hẹp hơn. Cảnh quang hai bên nhà cửa thưa dần và lộ vẻ nghèo nàn.

18 giờ cha Nghiêm đề nghị đọc kinh tối trong khi chờ đợi đến địa điểm ăn cơm đã đặt trước. Mặt trời đã khuất sau rặng núi cao nên trời tối rất nhanh. Trong màn đêm âm u bầu khí càng thêm linh thiêng, lời kinh càng thêm sốt sắng và tâm tình càng thắm thiết đậm sâu. Lạy Mẹ, xin đồng hành cùng chúng con trong hành trình nầy. Hành trình tiến lên cao nguyên núi đồi màu mỡ. Hành trình lên đỉnh cao Tạ Ơn của quãng đời 25 năm Linh Mục. Hành trình cùng nhau chúc mừng những năm tháng đầy ơn phúc và ước mong người mục tử được trọn vẹn trong đời sống hiến dâng. Hành trình chiêm ngắm một dung mạo khiêm tốn, hiền lành nhưng luôn vững tin, luôn hy vọng và tràn đầy tình yêu mến. Hành trình sẻ chia niềm vui thánh thiện và vinh dự được là bạn hữu thiết thân. Hành trình thăng tiến tình huynh đệ đồng môn. Hành trình của những con người dù yếu đuối nhưng luôn cố gắng dìu dắt nhau đi lên, lên những điểm cao nhân bản và đạo đức…
 
-

Khoảng 19 giờ, chúng tôi dừng chân ở quán Kim Phượng để dùng cơm tối. Vị trí nầy gần cuối huyện Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, giáp ranh tỉnh Kontum. Sau 1 tiếng đồng hồ ăn cơm và nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục lên đường. Chiếc xe chuyển mình và dần tăng tốc tiến vào vùng địa giới của huyện Đăk Glei thuộc tỉnh Kontum. Ánh đèn pha đầu mũi xe xé toang màn đêm dày đặc phía trước, ngồi trong xe nhìn tới có cảm giác như chiếc xe đang nuốt dần từng đoạn đường tối tăm. Chúng tôi chuẩn bị lên đèo Lò Xo.

Người ta gọi Đèo Lò Xo là “cung đường tử thần” vì nó hiểm trở và thường xảy ra tai nạn. Lòng đường hẹp, lại có quá nhiều khúc cua gập khủy tay. Hai bên đường đèo thì một bên vách núi, còn bên kia là vực thẳm hút sâu. Toàn cảnh con đèo chỉ như sợi chỉ nhỏ ngoằn ngoèo giữa núi rừng điệp trùng vô tận. Tôi đã mấy dịp lên BMT bằng xe khách, xe khách luôn chạy ban đêm. Có lần ngồi phía trước bên tài xế, qua những khúc quanh xoắn ốc, nhìn ánh đèn pha dọi xuyên qua ba-ri-e ngoài kia tôi cứ tưởng như xe đang lao thẳng vào vực sâu bên dưới. Một hồi tôi phải nhắm mắt lại, không dám nhìn nữa. Do vậy, những tài xế không quen đường hoặc yếu tay lái sẽ dễ gây tai nạn khi chạy trên cung đường nầy.
 
-

Trong khi chiếc xe vòng vèo dần leo con đèo 20 km cheo leo, chúng tôi được nghe nhiều chuyện kể hữu ích về vùng rừng núi hiểm trở nầy. Khi đi qua khu bảo tồn Ngọc Linh, bạn Minh Phương, – một người rất quen thuộc với con đường từ Huế lên cao nguyên vì quê vợ ở Tp BMT, kể rằng vùng rừng núi nầy có rất nhiều loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt, ở đây nổi tiếng là sâm Ngọc Linh. Người ta mở nhiều trang trại trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, kế hoạch trồng trọt cũng gặp khó khăn; vì dần dà phát sinh giống chuột chuyên đào bới phá phách và ăn các củ sâm, không thể nào diệt trừ được. Thế rồi người ta đặt rất nhiều bẫy để bắt chuột, và giá một con chuột cũng lên đến tiền triệu, vì thịt nó ngon và bổ. Nhân chuyện chuột, cha Lợi cũng nhắc lại bữa tiệc chuột mà bà Từ Hi Thái Hậu bên Tàu đãi các quan chức Tây phương lúc xưa. Những con chuột ấy gọi là chuột sâm vì chúng được cho ăn toàn sâm.

Những mẫu chuyện có vẻ bình thường, nhưng nếu có lời bình thì: Ăn thứ gì ra thứ đó. Không chỉ là của ăn phần xác, nhưng cũng đúng cho “lương thực” tâm lý và đời sống thiêng liêng.
 
-

Bạn Đỗ Bá Tinh Thần kể chuyện cha già Đỗ Bá Ấn là chú ruột (RIP), có một thời làm mục vụ ở vùng cao nguyên nầy. Mà cha Ấn nổi tiếng về sự sạch sẽ. Thế là cha Dụ, đã từng giúp xứ cho ngài, kể vài chuyện tinh sạch của vị nầy. Ví dụ: nước nấu đã sôi thì phải gọi ngài và ngài đun thêm 15 phút “cho chết vi trùng”; Hay không dùng chung chén bát; Hoặc, có lần giáo dân bưng cho cha sở mâm cơm, ngài thè thẹ đem cho một người nghèo trong xứ, rồi về buộc các chị phải nấu mâm cơm khác cho mình; Rồi, trong người ngài lúc nào cũng có chai al-côn để sát trùng thường xuyên, nhất là khi phải đụng tới tiền bạc…

Xem ra, nhiều khi những thành kiến hay những điều “in trí” nó chi phổi lối suy nghĩ và cách hành xử của con người.

Còn nhiều câu chuyện hay khác, ví dụ: Chuyện Đức cha Cuénot Thể sai một Thầy sáu người Huế lên giảng đạo cho dân Bahnar và đây là nhà truyền giáo tiên khởi của vùng cao nguyên, do cha Lợi kể; cha Dụ nói về nguồn gốc Dòng Ảnh Vảy ở Kontum; hay Minh Phương giới thiệu cuốn “Dân Làng Hồ” của Lm. Pierre Dourisboure nói về hành trình truyền giáo đầy gian khổ ở Tây nguyên… Nhưng ở đây chỉ xin nhắc lại thêm một mẫu chuyện có liên quan đến cha Ngọc Anh, là nhân vật chính của Lễ Tạ ơn sắp tới, do cha Lợi kể.

Cách đây hơn 25 năm, cha Hưng và cha Lợi có dịp lên BMT và ghé thăm cha Anh, lúc đó còn làm thầy. Thầy Anh xin hai Cha đàn anh dâng thánh lễ cầu nguyện cho Thân phụ của thầy, vì nhằm ngày giỗ. Và đoạn đường xe của đoàn đang chạy qua chính là nơi Ông cố bị tai nạn. Người ta kể lúc Ông cố và một người bạn đồng hành hấp hối trên đường vì bị thương quá nặng, nhưng hai người vẫn cùng nhau thầm thỉ đọc kinh và kêu tên Ba Đấng. Cha Giải cũng cho biết Ông cố cha Anh đã từng làm ông trùm nhiều năm và rất đạo đức.

Vậy thì, “nhìn quả biết cây” hay “cây tốt sinh trái tốt”… Tôi cố gắng ghi nhớ cho mình câu ca dân gian nầy: “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”, và ngược lại “Cây khô thì lá cũng khô, cha mẹ điên rồ khốn khổ cho con”.

Lúc nầy, chúng tôi đã được tin báo cho biết 2 đoàn Sài Gòn và Ninh Thuận đã đến Dòng Nữ Vương Hòa Bình, là nơi cha Anh và Ban tổ chức BMT đã xếp đặt cho các đoàn 67 tạm trú trong suốt thời gian ở lại Ban Mê Thuột.

Ban tổ chức BMT gồm có vợ chồng các bạn: Trần Dũng & Nhuần, Lê Ngọc Chiếu & Điền và Nguyễn Trường Sơn & Lan. Cám ơn các bạn đã cộng tác với cha Ngọc Anh để lên chương trình cho các ngày Hội ngộ và tích cực xoay sở để mọi sự được diễn ra tốt đẹp. Ai cũng nhìn thấy được sự thành công của cuộc Hội ngộ, điều đó đồng nghĩa với việc xác nhận (appreciate) công tác tổ chức quá tuyệt vời! Lần nữa, cám ơn anh em 67 BMT. Cũng xin cám ơn bữa cơm gia đình do anh chị em chủ nhà khoản đãi trưa 13-7 tại Quán dê Ninh Bình. Ba người mà gánh gần 100! Chắc hẳn tình huynh đệ đã tạo nên sức mạnh lạ thường, và có lẽ con tim sẽ không bao giờ biết giải một bài toán, dù chỉ là phép cọng trừ rất giản đơn…

Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây