Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


HT67 HUẾ MỪNG LỄ PHỤC SINH: NIỀM VUI & SỨ VỤ

Chiều 19-4 trong tuần bát nhật PS, lớp 67 Huế qui tụ mừng Lễ Phục Sinh tại nhà trưởng lớp Long-Cúc. Các thành viên tham dự khá đông đủ. Cha Phaolô Nguyễn Luận cũng gắng sắp xếp công việc từ xứ Cự Lại đến mừng Lễ cùng anh chị em.
Mừng lễ Phục Sinh là mừng Đức Kitô chiến thắng thần chết mở đường cho con người được đi vào cõi hạnh phúc trường sinh.

Niềm vui Phục Sinh là niềm vui lớn lao của cả nhân loại. Niềm vui ấy thánh thiêng, cao cả và toả lan. Niềm vui ấy mạnh mẽ dâng trào thúc đẩy người ta nhanh chóng ra đi để sẻ chia, loan báo. Như các phụ nữ chứng kiến ngôi mộ trống ban mai (Mt 28,8), hay, hai môn đệ gặp Chúa trên đường E-mau (Lc 24,33), họ tức tốc chạy về kể lại cho nhóm môn đệ anh em. Và rồi, sứ vụ Loan báo Tin Mừng Phục Sinh, do lệnh truyền của Chúa trước khi về trời (Mc 16,15), trở thành bản chất của mọi Kitô hữu. Như thế, khi hân hoan mừng Lễ Phục Sinh thì đồng thời người tín hữu cũng cần ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng; như lời cầu nguyện đầu tiên trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hằng ngày: “Nguyện Danh Cha cả sáng”.
 
ht 67 ccshue 3

1. Mừng Lễ Phục Sinh

Chiều 19-4 trong tuần bát nhật PS, lớp 67 Huế qui tụ mừng Lễ Phục Sinh tại nhà trưởng lớp Long-Cúc. Các thành viên tham dự khá đông đủ. Cha Phaolô Nguyễn Luận cũng gắng sắp xếp công việc từ xứ Cự Lại đến mừng Lễ cùng anh chị em. Mừng Lễ Chúa Phục Sinh là mục đích, nhưng buổi họp Lớp đồng thời cũng là dịp để tỏ bày tình huynh đệ.

Anh em hẹn nhau 4g chiều, nhưng từ 3g30 đã có nhiều người đến. Trước đó trưởng lớp đã chu đáo đánh xe về Cự Lại đón cha Luận vì đường xa và trời mưa. Chúng tôi trà nước trò chuyện nơi phòng khách trong khi chờ đợi những người đến sau. Các phụ nữ giúp nhau dọn mâm bàn, những thức ăn đã được cô Cúc phu nhân lớp trưởng với sự trợ giúp của cô Hoa phu nhân Huỳnh Dũng nấu nướng từ trưa.

Khi mọi người đông đủ, chúng tôi gọi nhau vào bàn. Đây là bữa tiệc mừng Lễ mang ý nghĩa Agapé. Agapé vì chúng tôi chia sẻ niềm hân hoan trong bầu khí huynh đệ. Đồng thời cũng là bữa tiệc “hướng tha” do một người bạn 67 ở xa khoản đãi; bạn ấy không hiện diện với anh em nhưng tâm tình hướng về cố hương và muốn gần gũi với anh em ở Huế qua hành động cụ thể. Lớp 67 Huế cảm nhận được ý nghĩa mang tính “bí tích” nầy. Cám ơn người bạn đã vui vì niềm vui của người khác. Cám ơn bạn, theo cách của mình, đã hiệp thông mừng Lễ Chúa Sống Lại với Huế.

Sau lời nguyện xin Chúa chúc lành, cha Luận đã thay trưởng lớp chào đón anh chị em và nêu ý nghĩa buổi gặp gỡ. Ngài nói không ý nghĩa nào lớn hơn là Mừng Chúa Sống Lại, và cùng nhau chia sẻ Niềm Vui lớn lao nầy. Niềm Vui nầy là Niềm Vui chung của tất cả chúng ta, xin chào mừng và cám ơn mọi người đã hiện diện hôm nay. Tiếp theo, cha mời tất cả cùng nâng ly chúc mừng để khai tiệc. Hôm nay nhà bếp phục vụ nhiều món hấp dẫn và dồi dào dinh dưỡng. Các món ăn được vợ chồng lớp trưởng cân nhắc lên thực đơn trước, sao cho hài hòa 2 tiêu chí: ngon và rẻ. Bầu khí bắt đầu sôi động nhờ âm thanh của tiếng nói tiếng cười. Nói cười và ăn uống có tác động hổ tương. Tâm trạng tươi vui thoải mái giúp thực khách ngon miệng; ngược lại, thức ăn ngon và men rượu nồng thì dể dàng khơi gợi những mẫu chuyện thân tình. Các câu chuyện nối tiếp râm rang liên tu bất tận. Chuyện đạo chyện đời, chuyện xưa chuyện nay, chuyện chung chuyện riêng, chuyện ảo chuyện thật, chuyện chiến tranh và mong ước hòa bình… Bàn tiệc và những câu chuyện, tất cả làm nên những nét rất riêng của HT67 Huế. Rất riêng vì mọi sự diễn ra cách tự nhiên và thân tình, không “formal” hay gượng ép. Rất riêng vì 67 Huế nổi tiếng“hay cãi” do cách chuyện trò quá “nhiệt tình” của các thành viên. Điều nầy chứng tỏ nhóm 67 Huế có nhiều cá tính. Tuy nhiên, tạ ơn Chúa, là “cãi” cũng chỉ dừng lại ở chổ “để mà cãi”, nhờ đó anh chị em có thể hiểu nhau hơn và chấp nhận nhau. Có thể nói nhóm 67 Huế là nơi để mọi người cọ xát và giúp nhau thăng tiến các đức tính của bản thân như gặp gỡ, lắng nghe, cảm thông, đón nhận, nhẫn nại, chịu đựng, tha thứ, hiệp thông … Nhất là cùng nhau xây dựng tình huynh đệ 67.

Nhân đây, người viết xin được “lang thang” một chút về tình huynh đệ. Trong giới hạn của kiếp người trần thế, khi nói về những mối tương quan nhân loại, người ta thường đặt chúng trong bối cảnh thời gian. Ví dụ, có những mối quan hệ chóng vánh, cũng có những cuộc tình trăm năm, hay, có những hội nhóm xu thời nhưng cũng có những đoàn thể lâu đời. Cơ mà một điều chắc chắn là đến lúc nào đó chúng sẽ phải kết thúc. May mắn thay, tình huynh đệ của người Kitô hữu nói chung, trở thành bất diệt nhờ mối liên hệ “con cùng một Cha” trên trời. Đây là mối tương quan căn bản, nhờ được tham dự vào Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, là nguồn mạch Tình Yêu đích thực. Tình huynh đệ HT67 cũng cần đặt nền tảng trên mối tương quan vĩnh viễn đó.

Nhắc tới điều nầy bởi lẽ nếu buông lơi và thiếu cảnh giác, các hội nhóm hay đoàn thể công giáo có nguy cơ rơi vào khuynh hướng “tự quy” và “thế tục hóa”, dần dà trôi dạt và rời xa các giá trị của Tin Mừng.

Trong bài “Khái Niệm về Thế Tục Hóa và Những Vấn Đề Liên Quan” của giáo sư Gilles Berceville do cha Pr. Trần Ngọc Anh chuyển dịch, đăng trên trang ‘hdgmvietnam.com’ (https://hdgmvietnam.com/.../khai-niem-the-tuc-hoa-va...), tác giả giải thích: “Nòng cốt chung của khái niệm “sécularisation” (sự thế tục hóa) có thể được phát biểu như sau: trong tất cả những cách sử dụng của từ này, “sécularisation” được dùng để chỉ một chuyển biến, từ một thực tại, một tình trạng gắn liền cách nào đó với Thiên Chúa hoặc “cái thiêng”, tức gắn liền với thần linh, sang một tình trạng mà mối liên hệ này bị lơi lỏng hoặc thậm chí bị cắt đứt.”

Một đoàn thể công giáo mà “cắt đứt” với Thiên Chúa Tình Yêu thì chỉ còn là cái xác không hồn mà thôi.

Việc ý thức và tài bồi cho mối tương quan với Thiên Chúa cũng có sự nối kết với sứ vụ sống chứng tá Tin Mừng.

2. Nguyện Danh Cha cả sáng

Trong Kinh Lạy Cha, –Lời kinh do Chúa Giêsu truyền dạy–, có nhiều lời cầu nguyện mà lời đầu tiên là “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng” (Santificetur nomen tuum). Thật ra, những lời cầu xin “cho” Thiên Chúa không thêm gì cho vinh quang của Người, nhưng mang lại ơn ích cho chính người cầu xin (x. GLHTCG 2806). Với lời cầu nguyện nầy chúng ta ước mong rằng: Thiên Chúa, – Đấng ba lần Thánh, là căn nguyên của sự thánh thiện–, được mọi người nhận biết, kính mến và tôn thờ. Tuy nhiên, niềm mong ước hay lời cầu nguyện chân thành phải luôn đi kèm với lòng quyết tâm của chúng ta, là cố gắng góp phần thực hiện niềm mong ước đó. Nói cách khác, tâm tình nguyện cầu ấy cần khơi gợi cho người tín hữu bổn phận loan báo Tin Mừng.

Một trong những cách loan báo Tin Mừng hiệu quả, phù hợp với mọi tín hữu là làm chứng bằng đời sống cụ thể thường ngày dựa trên các giá trị Tin Mừng. Bởi lẽ, “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Những hành vi tốt lành quy chiếu vào Tin Mừng là những lời giới thiệu thuyết phục và hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Ngược lại, mang danh Kitô hữu nhưng có đời sống buông xuôi theo các khuynh hướng trần tục xấu xa, vô đạo và bất nhân, thì như thể bôi nhọ vào Dung mạo của Thiên Chúa, khiến người khác hiểu lầm và tránh xa Đạo Chúa.

Chiều 18/3/2022 trong một sự kiện tổ chức tại sân vận động ở Mátxcơva, tổng thống Putin đã trích dẫn câu Kinh Thánh “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13) để ca ngợi những người lính Nga đã “chiến đấu anh dũng” trong cuộc chiến tranh xâm lược Ucraina. Thật mỉa mai, khi ông Putin dùng Lời Chúa, – là Lời đem lại sự sống, bình an, hạnh phúc, yêu thương–, để biện minh cho hành động khủng bố, gieo rắc sự chết chóc, hỗn loạn, đau khổ và thù hận của mình. Chính ông ta đã bất kể luật lệ quốc tế và đạo đức con người, ngang nhiên xua quân tấn công một quốc gia có chủ quyền. Quân đội Nga đã bắn phá vô tội vạ, tàn sát nhiều dân lành, san bằng nhà cửa và các thành phố của nước láng giềng yếu thế về quân sự… Hành động mà ông cho là “mục tiêu cao cả”!!!. Vậy, ông Putin đã diễn giải câu Kinh Thánh trên ra tin lành hay tin dữ?! Với tư cách tín hữu, ông ta đã phác họa Dung mạo của Chúa như thế nào?!... Có chăng ông ta đang tôn thờ và trình bày về khuôn mặt ghê rợn của tử thần mà ai cũng muốn lánh xa, bởi lẽ mỗi khi nó xuất hiện là đem đến sự chết chóc và hủy diệt kinh hoàng…

Linh mục Ronald Rolheiser, OMI –là ngòi bút danh tiếng về linh đạo và thần học người Canada–, cuối tháng 2 vừa qua đã có bài viết với tiêu đề “Đừng Làm Cho Thiên Chúa Thành Xấu Đi” (“Trying Not to Make God Look Bad”– https://ronrolheiser.com/dung-lam-cho-thien-chua.../...). Thật ra, trong bài viết, với tư cách là giáo sư môn Thần học về Thiên Chúa, cha muốn nhắc lại với các sinh viên (chủng sinh và những người chuẩn bị nhận thừa tác vụ) điều mà ngài gọi là “điểm nhấn mạnh chính yếu”.

Tuy nhiên, nhận thấy nội dung lời nhắc nhở của ngài cũng hữu ích cho tất cả những người mang danh Kitô hữu, nên người viết xin được tham khảo với ý nghĩa sống chứng tá cho sứ điệp Tin Mừng.

Cha Ronald Rolheiser nêu các đặc nét của Thiên Chúa (dành cho các mục tử quy chiếu): Thiên Chúa thì vô tư, không thiên vị; thông hiểu và cảm thương; đón nhận người tội lỗi; chấp nhận chịu chết còn hơn là bảo vệ cho mình; không lấy thù hận đáp trả thù hận; chết trong yêu thương; và tha thứ cho những người giết Ngài; cuối cùng, Thiên Chúa đó là Tin Mừng cho người nghèo.

Chúng ta có thể thêm vào các đức tính chuẩn mực của Tin Mừng như: hiền lành, khiêm nhường, đơn sơ, trong sạch, khó nghèo, vị tha, phục vụ, hiệp nhất, yêu chuộng hòa bình, bác ái, v.v…. Đây là những giá trị Tin Mừng mà các Kitô hữu cần ưu tiên chọn lựa trong đời sống thường ngày.

Cha Ronald viết: “Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa vô thần, chủ trương bài giáo sĩ, và hầu hết thái độ tiêu cực đối với Giáo hội và tôn giáo thời nay luôn có thể bắt nguồn từ một thần học tồi hay một việc thực hành tồi trong bản thân Giáo hội”. Ngài nhận định “Chủ nghĩa vô thần luôn là ký sinh sống nhờ một tôn giáo tồi. Điều này cũng đúng với thái độ tiêu cực đối với các Giáo hội thời nay. Thái độ bài Giáo hội sống nhờ tôn giáo tồi…”

Vậy, câu hỏi đặt ra cho mỗi người Kitô hữu là: Qua sinh hoạt thường ngày nơi môi trường sống của mình, tôi đang giới thiệu với người chung quanh thế nào về Dung mạo của Thiên Chúa?

Tuy nhiên, “trong tinh thần cảm thông” cha Ronald cũng nhìn nhận rằng “Không dễ để phản ánh Thiên Chúa cho thỏa đáng, nhưng chúng ta phải thử, phải nỗ lực để phản ánh tốt hơn về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu là hiện thân”.

Như thế, trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta có thể thường xuyên nhắc nhở nhau: Xin “Đừng Làm Cho Thiên Chúa Thành Xấu Đi”.

“Đừng Làm Cho Thiên Chúa Thành Xấu Đi” phải là châm ngôn của mọi tín hữu và các đoàn thể trong Giáo Hội.

“Đừng Làm Cho Thiên Chúa Thành Xấu Đi”, trước hết, giúp người Kitô hữu thăng tiến trên đường nên thánh, ngày càng trở nên giống Chúa hơn, được hiệp thông mật thiết hơn trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa; đồng thời là một cách truyền giáo khiêm tốn, âm thầm, nhưng cụ thể, gần gũi và hữu hiệu.

“Đừng Làm Cho Thiên Chúa Thành Xấu Đi” cũng chính là cách để xây dựng tình huynh đệ của các thành viên HT67.

Xin lỗi các bạn vì lỡ “lang thang” hơi xa, nhưng hy vọng những điều “lăn tăn” có thể là điểm gợi mở để mọi người cùng nhau suy nghĩ và đóng góp ý kiến để xây dựng và gìn giữ bầu khí huynh đệ của gia đình HT67.

Trở lại buổi họp mừng Lễ. 6:pm cha Luận phải về vì trời tối, đường xa và xe đang chờ. Các phu nhân phục vụ các đĩa trái cây tráng miệng. Riêng cha Luận được ưu tiên hai hộp kem flan. Ai đó nói vui “Rứa là giáo sỹ trị chơ chi nữa”. Cha Luận liền phán một câu Lời Chúa “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế, và dân Ta hưởng ân lộc dư đầy _ sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 31,14). Rứa là anh em cùng cười òa. Cha Luận chào về. Còn anh chị em chúng tôi tiếp tục nói chuyện đến 8 giờ tối mới chịu chia tay.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một buổi họp mặt tràn đầy Niềm Vui Phục Sinh.

“Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”. Amen.

Thân chúc Quý Cha và Anh Chị Em HT67 Niềm Vui của Chúa Phục Sinh và lòng nhiệt thành chia sẻ Niềm Vui ấy với mọi người. Alleluia! Alleluia!

Lê Xuân Hảo HT67
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: ccshue, Lê Xuân Hảo HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây