Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019). Cha Linh hướng Bart. Nguyễn Phùng Tuệ

Cha đã dạy cho chúng con biết bao điều, nhất là biết cầu nguyện. Những đợt tĩnh tâm năm, cha tập cho chúng con thinh lặng cả tuần và thao luyện, mỗi ngày dành năm sáu tiếng sấp mình trước Thánh Thể, hoặc mỗi ngày luôn nhớ Chúa hiện diện bên mình.
Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019). Cha Linh hướng Bart. Nguyễn Phùng Tuệ
Cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ, vị thầy linh hướng danh giá của Tiểu chủng viện Hoan Thiện (1975-1979)

Ngày 1/3/2008 cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ về với Chúa, dù đã biết trước rằng cha sắp đi xa, nhưng vẫn không ngờ cha đi sớm thế để lại nỗi trống trải khôn nguôi cho giáo phận, cho cả đàn con côi cút bơ vơ khi vắng cha như hụt hẫng không bờ không bến.

Cha ơi! Mới năm nào (2005) khi về La Vang, con có ghé thăm cha, con hỏi cha có nhớ con không? Cha bảo: Nhớ chứ! Con hỏi: Rứa thì ai? Cha trả lời: Con của Chúa! Con nhủ thầm cha lẫn rồi; và tự hỏi sao lẫn mà khôn thế? Và năm 2007 con lại về thăm cha, lần này thì lẫn hung nhưng vẫn cầm tràng hạt lần chuỗi, con không hỏi chi cả mà chỉ ngồi bóp tay chân cho cha, con linh cảm đây là lần cuối con ở bên cha.

Cha ơi! Chúng con may mắn khi sau ngày biến cố 75 cha ở bên Ý về với chúng con, khi đó cha xem truyền hình thấy giải phóng đã tới Nha Trang, cha liền tức tốc trở về VN bằng mọi giá và chúng con đã diễm phúc ở bên cha kể từ bước ngoặt 1975-1979. Thủa đó ban giám đốc có các cha như cha Nguyễn Lợi là bề trên, cha Nguyễn Hữu Giải cũng làm bề trên sau đó và cha Nguyễn Văn Phúc là quản lý. Ngày đó khi chúng con tựu lại là cả một nỗ lực rất lớn của địa phận và của Đức cố TGM Philipphê, là cả một chương trình huấn luyện hoàn toàn mới: “Nhu cầu mới, linh mục mới” nên chi phương cách đào tạo rất kỹ luật và sắt đá… Và khi có cha về làm cố vấn và linh hướng thì ban huấn luyện được bổ sung một giáo sư lịch duyệt, khôn ngoan, rất tâm lý và giàu tâm huyết. Cha đã nặng lòng với chúng con từ đó. Chúng con vẫn nhớ như in buổi đầu tiên, ngày ngày cha đội nón lá đi học tập từ sớm đến chiều; chúng con nhớ những giờ học môn tu đức của cha khô khan, nhưng dễ hiểu; lâu lâu cha cột lại lưng quần vải đen hay bị tụt bởi bụng đói và thiếu calori. Vậy mà chúng con luôn nghe cha cười vỡ lỡ, lạc quan, yêu đời vô cùng. Cha đã dạy cho chúng con biết bao điều, nhất là biết cầu nguyện. Những đợt tĩnh tâm năm, cha tập cho chúng con thinh lặng cả tuần và thao luyện, mỗi ngày dành năm sáu tiếng sấp mình trước Thánh Thể, hoặc mỗi ngày luôn nhớ Chúa hiện diện bên mình.
 
-

Cha ơi! Chúng con không quên mùi thuốc cẩm lệ mà cha phì phà nó ngai ngái làm sao! Mỗi khi cha đang suy tư chi đó hay là có chuyện chi liên quan đến giáo phận…dẫy hành lang dài thăm thẳm là nơi cha đi bộ, linh hướng chúng con, và cũng là nơi cha hỏi han từng người anh em chúng con về gia đình, về mọi mặt của cuộc sống chúng con. Cũng lắm khi chúng con làm phiền lòng cha qua cách ngang ngược, ngỗ nghịch, bất tuân rất nhiều lần ...

Năm cuối cùng ở Tiểu chủng viện, lúc đó tình hình kinh tế quá kiệt quệ, ban Huấn Đạo trong đó có ý kiến không nhỏ của cha là muốn chia các chú thành nhiều tổ như một gia đình thiệt thụ vậy, tự túc về tài chánh; và mỗi tổ đều có đủ anh em lớn nhỏ dạy bảo nhau cả về đạo đức lẫn công việc kiếm tiền. Hồi đó, để sống còn, ban Huấn Đạo đưa ra hai phương án: một là tự giải tán, hai là các chú phải sống tự lập; và phương án hai được chọn. Con nhớ thời kỳ đó anh em được chia làm sáu tổ, trong đó có hai tổ ở thành phố theo quy chế riêng, còn ở xa thì phân làm bốn tổ gồm tổ Don Bosco do cha Nguyễn Văn Nghĩa bây giờ ở Ban Mê Thuộc làm tổ trưởng, tổ Phanxico khó khăn có cha Võ Văn Thông đang giúp ở Xuân Thành, Xuân Lộc đứng đầu; tổ Maxilien Kolbe do cha Phan Chiếm cha sở Bến Gỗ phụ trách và tổ con có tổ trưởng là cha Nguyễn Huệ, hiện là cha giáo ĐCV Xuân Lộc, trong tổ còn có thêm cha Tiến ở Nauy, cha Khanh ở Mỹ và các anh em khác nữa, cứ chia phiên thay đổi người đi làm, kẻ ở nhà lo học, tuy vất vả nhưng thoải mái. Tổ cha Chiếm và tổ con ở cùng dẫy lầu mới được sự giám thị của cha.

Con nhớ mãi kỷ niệm lúc này con đi làm mì sợi thì hay xăn ống quần lên từng nấc để chứa bột mì, chiều đem về cải thiện bữa ăn khiêm tốn. Con chỉ dùng một quả trứng rồi trộn thêm nhiều bột mì vào, thêm một chút màu nữa thế là có nhiều dĩa trứng chiên hoành tráng, vậy mà bị cha la rầy sao mà phung phí như vậy nhưng trong lòng cha mừng cho chúng con ăn uống đầy đủ. Ngày bổn mạng tổ không biết làm chi đãi tiệc, con nghĩ cách thả hết đàn vịt choai từ sân thượng xuống dưới đất cho què để có lý do mần thịt, và khi chế biến linh đình, lại còn lén làm một xị bị cha bắt gặp, tụi con tự bàu chữa do ăn nhiều thịt khó tiêu và hôi lông nên phải có tí men, cha quở cho một trận nhớ đời: “Tuổi của mấy chú da trâu vào bụng cũng xay ra nước được huống gì là vịt con” …và còn vô vàn kỷ niệm khác!

Cha ơi ! Con và chú Xuân Hải được cha chiếu cố cách riêng, lâu lâu tình nguyện lên phòng cha dọn dẹp, làm vệ sinh. Phòng ngủ cha thật bừa bộn và bốc mùi thuốc cẩm lệ, chúng con sắp xếp và lau chùi, quét mạng nhện trên trần nhà; đây là một công việc thích thú đối với chúng con khi được ở bên cha.

Các chú theo thông lệ, mỗi tháng vào phòng cha để được linh hướng, con bỏ luôn ba tháng liên tiếp, bị cha mắng cho một trận để đời. Khi Tiểu chủng viện không còn chất đốt, các chú gồm cha Phan Chiếm, anh Hồ Dinh, anh Lê Văn Hùng và con đi đốn củi ở Bình Điền, suốt một tuần chơi vơi, cô lập trên núi, lại gặp mưa tầm tả, về muộn một ngày, làm cha đợi chờ, lo lắng, sốt ruôt, cứ đi ra lại đi vào. Chúng con về Tiểu chủng viện trễ vì đợi chờ nước rút mới lội qua suối, sau đó lại đợi xe quá lâu, vậy mà khi vừa đến nhà, cha bảo ngay vào nhà cơm để ăm lại sức, sau đó vào nhà nguyện dự lễ ngày Chúa Nhật để Tạ ơn.

Cha ơi! Không phải làm chuyện vĩ đại lấp biển vá trời, kinh thiên động địa mới là người vĩ đại… mà chỉ là hoàn thành chăm chỉ mọi việc bổn phận dù lớn hay nhỏ một cách khiêm tốn. Và dù đi Tây, Tàu, dù có nhiều bằng cấp và dù ở hoàn cảnh nào, nơi một giáo xứ nhỏ bé chỉ vài gia đình, vậy mà cha đã thực hiện bao điều vĩ đại chỉ có Chúa biết mà thôi. Chúng con chỉ thấy nơi cha một sự đơn sơ, nhỏ bé, an bình, phó thác và trông cậy vào Chúa.
Bài học để đời làm châm ngôn cho chúng con đó là lời trăn trối của cha: “Chúa trên hết, Chúa trước hết. Không chi bằng Chúa, không ai hơn Chúa’’, là những lời khuôn vàng thước ngọc cha để lại cho chúng con làm hành trang khi chúng con phiêu bạt trên đường đời.

Con chợt nhớ bài thơ đường của Thôi Hiệu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
(Người xưa cưỡi hạc vàng đi mất,
Hoàng Hạc trơ lầu chốn ấy thôi...)

Cha ơi! Chúng con mất cha rồi, chúng con lại trơ trọi ở giữa cuộc đời đầy chao đảo nghiệt ngã mà chẳng còn biết kể lể cho ai? Khi về thiên đàng, xin cha nhớ cầu bầu cho mỗi người anh em chúng con được có lòng đạo đức sốt sắng, bền đỗ và cầu tiến trong mọi gian nan thử thách, và luôn lạc quan phó thác vào Đấng Quan Phòng.

Thủ Đức, ngày 02/03/08
Mic. Nguyễn Hùng Dũng

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây