Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Thầy đánh ba roi...

-

-

Cuộc đời học sinh, không ai lại không có những kỷ niệm vui buồn. Có những kỷ niệm vẫn mãi theo ta trong hành trang cuộc đời, mỗi khi có dịp nhớ về khung trời thân ái ngày xưa.
Thầy đánh ba roi ...
 
Cuộc đời học sinh, không ai lại không có những kỷ niệm vui buồn. Có những kỷ niệm vẫn mãi theo ta trong hành trang cuộc đời, mỗi khi có dịp nhớ về khung trời thân ái ngày xưa.
 

Thầy đánh ba roi ...

 
 "Khi Thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi...
 Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng, 
 có hạt bụi nào rơi trên tóc Thầy... " 
 
Kính nhớ trong niềm tri ân đến những người Thầy 
của Trường Trung Học Thánh Tâm Quảng Trị ngày xưa. 
C/HSTT Quảng Trị: Nguyễn Văn An.

Năm lớp Đệ ngũ, niên khóa 1968 -1969, lớp học của tôi gần bốn chục nam sinh, trong đó có những đứa bạn đã học chung với nhau từ hồi còn ở Trường Tiểu Học Maria Trí Bưu như tụi thằng Phồn, thằng Hóa, Thằng Huỳnh, thằng Thường. Giờ gặp lại tụi hắn tại Trường Trung Học Thánh Tâm Quảng Trị, một ngôi trường tư thục do các Thầy Dòng Thánh Tâm đảm trách, và đây là một trong những ngôi trường lớn ở Quảng Trị vào thập niên 1970.

Cuộc đời học sinh, không ai lại không có những kỷ niệm vui buồn. Có những kỷ niệm vẫn mãi theo ta trong hành trang cuộc đời, mỗi khi có dịp nhớ về khung trời thân ái ngày xưa.

Một buổi sáng đang trong giờ học Anh Văn của Thầy Ấu Tin, cả lớp ngồi chăm chú lắng nghe Thầy giảng bài. Chợt phía gần cuối lớp, một tiếng vang nhỏ phát ra từ một người bạn trong lớp, âm thanh không lớn, nhưng cũng đủ đi vào tai người nghe. Chắc trước khi đi học, ông thần nầy ăn phải hột mít sượng? Vì ngồi gần đó, tôi và hai bạn khác phá lên cười. Thầy Ấu Tin ngưng giảng bài, đưa mắt nhìn về cuối lớp, để xem chuyện gì xảy ra.

Kết cuộc, tôi, Hợp, nhà ở Cầu Lòn La Vang, và Nguyễn Đình Bửu, nhà ở chợ Sãi, quận Triệu Phong (mấy năm sau tôi gặp lại hắn cùng chung khóa học ở Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt), cả ba đứa bị Thầy đuổi ra khỏi lớp, vì tội làm mất trật tự, cười nghịch trong giờ Thầy đang giảng bài. Dù Thầy Ấu Tin là một trong những người Thầy vui tính, hiền lành.

Học sinh mà, ăn chưa no, lo chưa tới, dù đây là hình phạt sẽ mất điểm hạnh kiễm tốt, và bị phê trong Học Bạ cuối năm, nhưng không nghịch ngợm, không phải là học sinh.

Cả ba thằng chung hội, chung thuyền rủ nhau qua nhà thờ Thạch Hãn gần đó, ngồi lên những bậc tam cấp bên ngoài Thánh Đường, đưa mắt nhìn xe cộ, thiên hạ qua đường, chờ qua đi hai giờ Anh Văn của Thầy Ấu Tin, sẽ vào môn học Việt Văn kế tiếp.

Ngồi buồn ngó nhau, tôi bàn với hai bạn sang Trường Nữ Phước Môn chơi, dù không có mục đích nào cả. Đây cũng là một ngôi trường tư thục dành cho các Nữ Sinh, do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá phụ trách. Vì còn đang trong giờ học, nên sân Trường vắng hoe, cả ba thằng bước lang thang, tò mò đưa mắt nhìn vào các lớp học dưới lầu, bên trong thấp thoáng các nữ sinh ngồi chăm chú học hành.

Chợt một nữ tu, trong áo choàng đen đang từ xa đi lại phía chúng tôi. Tôi nhận ra đó là Chị Vãng. Sau nầy tôi mới biết chị đang là Giám thị của Trường, có lẽ vì trách nhiệm, Chị muốn biết sao giờ nầy trong giờ học, có Nam sinh vào Trường Nữ với ý định gì? Chị chưa kịp lên tiếng hỏi, thì tôi đã nhanh chân co giò bỏ chạy ra cổng, hai thằng kia chưa hiểu chuyện gì cũng vội vã chạy theo.

Cũng cần nhắc lại, tôi có học với Chị Vãng năm lớp Nhất ở Trường Tiểu học Maria Trí Bưu Quảng Trị trước đây, khi chị dạy thay cho Chị Trọn, phụ trách dạy lớp Nhất bị bệnh phải nghỉ một thời gian. Chị Vãng là người rất khó tính, nghiêm khắc, nhiều lần đã phạt tụi tôi quỳ ngay trong lớp vì nghịch ngợm và không thuộc bài. Có lẽ Chị Vãng nhớ rõ tôi: “ Học thì dỡ, giỡn phá thì hay“. Và đây cũng là nguyên nhân đưa đến sự suy nghĩ của Chị, khi phát hiện ra tôi là một trong ba đứa vừa bỏ chạy ra cổng vừa rồi.

Ba đứa tôi sau đó trở lại khuôn viên nhà thờ Thạch Hãn, và mừng là không đứa nào bị Chị Vãng bắt lại. Một lúc sau bên ngoài đường, lần nầy, tôi nhận ra chị Vãng, đang trên đường qua Trường Thánh Tâm, vì hai trường rất gần nhau và cùng nằm trên đường Quang Trung. Chắc sẽ có chuyện không hay, nhưng không biết như thế nào, hơn nữa nghĩ lại, tụi tôi cũng không quậy phá gì khi vào trong Trường Phước Môn nên cũng yên tâm.

Giờ học kế tiếp, là giờ Việt Văn của Thầy Hiền Lân, và Thầy cũng là người phụ trách lớp Đệ ngũ 1 của chúng tôi. Hồi đó mỗi lớp đều có Thầy phụ trách để theo sát sự học hành, hạnh kiễm của học sinh trong suốt Niên học. Đây cũng là một ưu điểm nổi bật của Trường, để phụ huynh học sinh an tâm tin tưởng, khi nhìn thấy thành quả đạt được của con em mình, dù tiền học phí cũng là vấn đề nan giải cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn như tôi.

Sau khi cho cả lớp ngồi xuống, Thầy Hiền Lân bỏ ra ngoài, một lúc sau Thầy trở lại, trên tay cầm theo ba cây roi mây, mỗi cây dài hơn mét rưỡi. Hình ảnh người Thầy, Cô hồi đó, với cây roi trên tay, là một điềm báo chuyện không vui cho học trò. Tôi linh cảm có chuyện xấu sẽ xảy ra, và đưa ánh mắt đầy lo âu nhìn sang hai đứa kia cũng với khuôn mặt đang hồi căng thẳng. Còn các bạn trong lớp, vẫn chưa hiểu chuyện gì!

Chợt Thầy lên tiếng phá tan bầu không khí yên lặng, mọi con mắt hướng về Thầy. Trước tiên, Thầy gọi tôi đứng lên và hỏi: Ai đã đi với tôi sang Trường Phước Môn sáng nay? Tôi không thể không khai với Thầy là tôi và hai bạn Bửu, Hợp vì bị đuổi ra khỏi lớp học trong giờ Thầy Ấu Tin, sau đó có sang Trường Phước Môn, nhưng không làm gì cả.

Thầy lặng lẽ lấy phấn ghi tên tôi lên bảng đen, kế tiếp là tên hai đứa kia nằm phía dưới. Sau nầy tôi mới biết, chị Vãng đã qua báo cho Thầy Minh Thiên, đang làm Giám thị Trường Thánh Tâm, là tôi và hai bạn khác chị không biết tên, có sang Trường Phước Môn định quậy phá, thấy Chị liền bỏ chạy, và Chị đã cho Thầy biết một cách chính xác, trong đó có tôi. Do đó, Thầy Minh Thiên và Thầy Hiền Lân phụ trách lớp Ngũ 1 cùng chung suy nghĩ tôi cầm đầu chuyện nầy.

Khi nghe Thầy tuyên bố sẽ đánh hai bạn Bữu và Hợp, mỗi đứa năm roi, vì tội cười giỡn làm mất trật tự trong lớp học Anh Văn sáng nay, và tội sang Trường Phước Môn quậy phá. Còn tôi, Thầy chưa đá động gì tới, nhưng theo danh sách Thầy ghi lên bảng vừa rồi với tên tôi đầu tiên, chắc tôi sẽ bị số roi Thầy đánh gấp đôi, tôi nghĩ nhanh trong đầu.

Thầy ra lệnh cho 3 đứa ngồi đầu bàn dời ra phía sau, để dành bàn trống cho Hợp và Bữu lần lượt lên bàn nằm cho Thầy đánh. Thấy tụi nó quằn quại dưới năm roi của Thầy, tôi đã tái mặt. Răng mà xui rứa? Nguyên nhân xa từ một thằng chột dạ, kéo theo mấy thằng khác phải chịu đòn đau.

Sau khi Thầy đánh hai đứa xong. Thầy đưa mắt nhìn xuống tôi, mặt Thầy đanh lại, biểu lộ thái độ hết sức giận dữ. Thầy chậm rãi tuyên bố một câu xanh rờn, mãi bây giờ, 44 năm sau tôi và có lẽ các bạn khác như Phồn (Việt Nam), Thọ, Dũng (USA) còn nhớ.

- Trò An! Tôi sẽ đánh không chỉ năm roi, mà đánh cho đến khi không còn ba cây roi mây nầy nữa.

- Dạ thưa Thầy, tụi em có qua đó chơi, nhưng không làm gì cả?

Thầy Hiền Lân không trả lời, chỉ tuyên bố ngắn gọn:

- Lên bàn nằm! Tôi không muốn nghe trò nói gì nữa.

Tôi líu ríu, sợ hãi leo lên bàn. Thầy bắt đầu vụt xuống người tôi, những roi đầu tiên lên phần đất mềm mại, nơi trời cho tôi có cái để ngồi, tôi nghiêng bên nầy, rồi bên kia, và ước chi quần tôi đang mặc, vải dày thêm một chút, hy vọng sẽ đỡ đau hơn; đôi lúc quá đau, tôi định vùng lên bỏ chạy ra khỏi lớp, rồi sau đó ra sao thì ra, nhưng cuối cùng như một ma lực bắt tôi phải nằm lại trên chiếc bàn dài chịu trận.

Thầy đánh tôi lần lượt roi nầy tua ra không còn dùng được, Thầy vói tay, lấy cây roi khác, tiếng la vì đau đớn của tôi vang lên trong lớp học, có lẽ cũng vang xa đến các lớp khác kế cận, cũng không động lòng từ bi trắc ẩn của Thầy, tôi lạy lục xin Thầy tha với những lời hứa hẹn xin chừa, nhưng Thầy vẫn tiếp tục. Tiếng roi của Thầy vút đi trong không khí, âm thanh nghe rợn người, nước mắt tôi ràn rụa trong nỗi đau thân xác, vì roi nầy vừa hằn lên da thịt, cái roi khác lại chồng lên lằn roi trước, cứ thế lập lại tê tái…

Càng về sau, những cái vụt xuống của Thầy cũng giảm đi cường độ, so với những phút ban đầu, có lẽ Thầy cũng đã thấm mệt, mặt Thầy lấm tấm mồ hôi, nhưng tay Thầy vẫn tiếp tục vung lên, hạ xuống, cho tới khi tả tơi cây roi mây cuối cùng …

Còn tôi, đã chết lịm đi trong cái cảm giác quá đớn đau, có lẽ đây là trận đòn lớn nhất mà tôi gánh chịu và không bao giờ quên trong đời học sinh.

Năm 1971, ba năm sau, trong một lần về phép ở Quảng Trị, tôi có dịp trở lại thăm ngôi trường Thánh Tâm, trong ngày Trường đang khai giảng năm học mới, và hình như đây cũng là lần đầu tiên, Trường Thánh Tâm thâu nhận Nữ sinh. Đang đứng trò chuyện với Thầy Lễ Khoa, bên ngoài hành lang, trên dãy lầu phía sau của Trường, nhìn xuống bên dưới, các học sinh Nam, Nữ đang xôn xao, vui vẻ chuẩn bị sắp hàng theo lớp, mở đầu cho năm học mới diễn ra trên sân bóng rổ bên trong Trường.

Tình cờ, tôi nhận ra Thầy Hiền Lân, vẫn trong bộ áo dòng đen, với mái tóc chải ngược về phía sau như ngày nào, Thầy đang đi lại phía tôi, tôi gật đầu lên tiếng chào Thầy, và Thầy rất vui khi nhận ra tôi, đứa học trò của Thầy giờ đây đã chững chạc trong bộ quân phục của người Lính Thiếu Sinh Quân.

Thầy ân cần lên tiếng hỏi:

- An có còn giận Thầy không?
 
Câu hỏi của Thầy, bao hàm bao ý nghĩa, chứa chan tình nghĩa Thầy, Trò, khiến tôi lặng đi trong vô vàn cảm xúc. Làm sao tôi có thể giận, hờn, khi tuổi học trò đã bị xếp hạng thứ ba sau Quỷ và Ma?

Và tôi đã nhận ra rằng, không có một người Thầy nào lại không muốn học trò của mình nên người. Những hình phạt tuy có khắt khe theo một lối Giáo dục còn vương tư tưởng “Quân – Sư - Phụ“ trong xã hội đương thời. Nhưng cứu cánh của những người Thầy, là mong muốn học trò sẽ nên người hữu dụng cho mai sau. Tôi chợt nghĩ trong niềm tri ân: Nếu không có những người Thầy, Cô ngày xưa đó đã trang bị cho mình kiến thức vào đời?

Giờ đây đang sống lưu lạc ở xứ người, nghe tin Thầy Hiền Lân cũng đang ở Canada, một nước láng giềng bên cạnh. Tôi ao ước có một lần nào đó được gặp lại Thầy, để được hỏi thăm sức khoẻ và cũng nói lên sự nhớ ơn.

Với riêng Thầy Hiền Lân! Mỗi khi nghĩ đến Trường Thánh Tâm Quảng Trị, với những tháng ngày Thầy đã miệt mài dạy dỗ học trò bên bụi phấn, bảng đen. Không biết có lần nào, Thầy nhớ lại đứa học trò, đã bị thầy đánh tan nát Ba cây roi mây không?

Tôi chạnh nhớ đến những câu thơ, trong bài thơ Quê Hương, thật dễ thương của Thi sĩ Giang Nam:
 
Những ngày trốn học.
Đuổi bướm cầu ao,
Mẹ bắt được …
Chưa đánh roi nào đã khóc
.”

Còn tôi! Ba cây roi mây của Thầy Hiền Lân đã hằn lên da thịt học trò như một kỷ niệm. Liệu nhà Thơ Giang Nam có cho phép tôi được đổi lại lời thơ của Ông, cho một chút niềm riêng của tôi không?
 
Một lần bị đuổi học.
Sang quậy phá Trường bên.
Thầy biềt được … 
Đã đánh roi nào, cũng đau.
 
Rockford, Illinois, USA.
An Nguyen

Tác giả: Nguyễn Văn An

Nguồn tin: dongthanhtam.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây