Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Cảm nhận từ La Vang của một giáo dân hành hương.

La Vang.

La Vang.

Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 và Đại Hội La Vang lần thứ 29 trong ba ngày 04-06/01/2011 đã diễn ra trong niềm xúc động của nhiều người và đã để lại trong lòng con cái của Mẹ những khoảnh khắc, ấn tượng khó phai từ thời tiết không mấy thuận lợi cho đến những sự kiện quan trọng.

Cảm nhận từ La Vang của một giáo dân hành hương.

Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 và Đại Hội La Vang lần thứ 29 trong ba ngày 04-06/01/2011 đã diễn ra trong niềm xúc động của nhiều người và đã để lại trong lòng con cái của Mẹ những khoảnh khắc, ấn tượng khó phai từ thời tiết không mấy thuận lợi cho đến những sự kiện quan trọng. Mỗi người ai cũng có một cách cảm nhận riêng của bản thân mình về những ngày ở bên Mẹ La Vang.

Là một con chiên bé nhỏ của Giáo xứ miền quê, giữa lòng Giáo phận Huế thân thương, tôi đã đến La Vang rất nhiều lần, nhưng khi đến La Vang trong những ngày này, tôi không thể nào cầm được những dòng xúc cảm trong lòng mình. Đặc biệt vào chiều ngày 04/01/2011, nhìn từng đoàn người đang nhanh chân tiến bước về bên Mẹ giữa trời mưa, gió rét, giữa cái ướt át, nhớp nháp, lầy lội của con đường đất đỏ dẫn vào Linh Địa La Vang, mọi người, từ các Linh Mục, các Thầy, các Soeurs cho đến giáo dân, người lớn cũng như trẻ nhỏ...,  ai cũng “xắn quần vén áo”, tay che dù, thân mang áo mưa, vai đeo balô, túi xách....để đến với Mẹ, dường như mọi người đã quên đi cái “lạnh run người” để chỉ biết đến với Mẹ mà thôi! Những hình ảnh này đã phần nào tô đậm thêm bước chân “hành hương” trong khó khăn của con cái Mẹ ở khắp mọi nơi.

Hòa mình cùng dòng người đang vây quanh Linh Đài Mẹ, tôi nhận thấy Linh Đài Mẹ mỗi lúc càng thêm đông đảo bà con giáo dân từ mọi miền đất nước đang quy tụ quanh Mẹ, trầm mình trong cái giá lạnh, dưới cơn mưa dầm dề của tiết trời miền Trung.

Có thể ai chưa một lần đến Huế thì cũng đã nghe qua “danh tiếng” về Huế với những cơn mưa “thối đất, thối cát”. Còn bây giờ, ở La Vang, mọi người cũng có thể cảm nhận được cơn mưa Huế là thế nào rồi đó! Nó ví như “Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi!”, nhưng ở đây thì lại khác “Nỗi niềm chi rứa, Mẹ La Vang ơi!”. 

Nhìn cảnh con cái của Mẹ như vậy mà Mẹ không có nỗi niềm hay sao? Nỗi niềm của Mẹ, ai hiểu thấu được chăng?

Cảm nhận từ những cơn mưa lạnh trên Đất Mẹ, tôi nghĩ đây không phải là những cơn mưa bình thường của thiên nhiên. “Chẳng lẽ Mẹ lại nỡ lòng nào để con cái Mẹ phải chịu cái giá lạnh thời tiết khi đến với Mẹ hay sao?”. Dù biết rằng “Nắng mưa là bệnh của trời”, nhưng con cái của Mẹ đã vượt qua “cơn bệnh” đó bằng tình yêu dành cho Mẹ để đến với vùng đất linh thiêng này. Phải chăng Mẹ để cho con cái Mẹ chịu cảnh mưa gió thế này như muốn thử thách tình yêu của con cái dành cho Mẹ? Tôi thiết nghĩ: Nếu chúng ta biết đặt Đức Tin vào Chúa, tâm tình yêu mến Mẹ Maria, và hướng cái nhìn đến một tinh thần thiêng liêng, chúng ta sẽ cảm nhận những cơn mưa trên Đất Mẹ La Vang là “mưa của ơn phúc” ,“mưa hồng ân”, bởi đã có lời Thánh Ca vang lên “hồng ân Chúa như mưa, như mưa...”.Thử nhìn những cơn mưa thiên nhiên để chúng ta cảm nghiệm đến những cơn mưa siêu nhiên. Có thể những giọt mưa là những giọt nước mắt cảm động đến từ tình thương yêu của Mẹ, cũng có thể là niềm đau xót của Mẹ.

Khi chứng kiến khung cảnh mọi người đứng quanh Linh Đài Mẹ dưới trời mưa lạnh, tôi cảm thấy một sự linh thiêng, sống động đang diễn ra trước mắt mình, những lời kinh vẫn đều đều vang lên, những lời cầu xin nỉ non, tha thiết trong tiếng mưa rả rích... những tâm tình ăn năn thống thiết, van xin khẩn cầu, hòa lẫn nước mắt của con Mẹ trong nước mưa dâng lên Mẹ, khiến cho không khí ở vùng trời La Vang trở nên ấm áp hơn bởi tình Mẹ - con qua những người con đơn sơ, hiền lành, chất phác, nghèo khổ, đói khát, bần cùng... 

Thật cảm động! Chính hình ảnh này đã để lại cho người hành hương nhiều ấn tựợng nhất trong những ngày ở La Vang. Dù âm thầm, lặng lẽ, chấp tay nguyện cầu ngước nhìn lên Mẹ với dáng vẻ khiêm tốn, nhưng ánh mắt và nét mặt của họ là hiện thân của những con người một đời lam lũ, một đời thao thức, cũng có thể là những mảnh đời bị bỏ rơi. Sự linh thiêng, trầm lắng của những tâm hồn đang thổn thức bên Mẹ giờ đây dường như bị phá tan bởi những âm thanh rộn rã của chiêng, của trống, những lễ nghi long trọng...

Đang thả hồn để cảm nhận những hình ảnh trước mắt mình, chợt tôi dừng lại để nghĩ đến những con người không đến được với Mẹ trong dịp Đại Lễ này. Có những người vì lo công ăn việc làm, vì thời tiết, đường sá xa xôi, vì bệnh tật, đau ốm...và hơn bao giờ hết, có những người con muốn đến với Mẹ nhưng lại không có đủ điều kiện để đi, nhất là những người ở các giáo xứ thuộc vùng sâu vùng xa, nghèo khổ, thiếu thốn vật chất, không có đủ phương tiện và tiền để đi đường.          

Bên cạnh những hình ảnh đó, tôi còn nhận thấy được tinh thần phục vụ rất nhiệt thành, hăng say của các Ban ngành qua những con người đã không quản ngại khó khăn của mưa gió, mệt nhọc của thân thể, để kịp thời phục vụ cho Đại Lễ, từ những công việc rất nhỏ cho đến sự việc quan trọng. Đại đa số những người phục vụ tại La Vang là những giáo dân từ các Giáo xứ trong và ngoài giáo phận. Tôi thấy họ làm việc rất vui vẻ, có kỹ luật và kĩ năng. Có những người  âm thầm, lặng lẽ trong công việc với những cử chỉ thật nhẹ nhàng, nhã nhặn, dễ thương. Qua những con người này, tôi cảm nhận họ đang phục vụ vì Mẹ, vì anh em đồng loại của mình. Ở nơi họ, đang phản chiếu hình ảnh phục vụ của Chúa Giêsu.

Nhìn chung, những ngày ở La Vang, dù thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh và Đại Hội La Vang lần thứ 29 đã diễn ra thành công theo như chương trình đã định, nhờ tình thương của Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cùng với sự cộng tác tích cực của mọi thành phần dân Chúa trong tinh thần Giáo Hội Việt Nam sống “Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ”.

Tạ ơn Chúa và cám ơn Mẹ Maria La Vang!

Maria Thủy Tiên 

Tác giả: Maria Thủy Tiên.

Nguồn tin: Website TGP Huế.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây