Ngày chết chóc nhất của dịch virus corona ở Trung Quốc

Thứ năm - 30/01/2020 08:17
Trong lúc Trung Quốc và chính phủ các nước nỗ lực khống chế sự lây lan của virus chết mới, số ca bệnh mới và số người tử vong vẫn tăng lên từng ngày trong nỗi lo lắng.
Ngày 30/1 trở thành ngày có số ca tử vong nhiều nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh do virus corona mới gây ra bùng phát tại Trung Quốc, trong lúc cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo lắng về nguy cơ đại dịch toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tất cả các chính phủ phải "cảnh giác" trong lúc cơ quan này cân nhắc việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, theo AFP.
 
wuhan corona virus
Ngày 30/1 ghi nhận thêm 38 trường hợp tử vong vì virus corona mới. Ảnh: AFP.

Tất cả các tỉnh của TQ đều có người nhiễm bệnh

Giới chức Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để khống chế sự lây lan của virus, bao gồm việc cách ly hơn 50 triệu người ở Vũ Hán và các thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Song điều đó dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả, khi chính phủ báo cáo 38 trường hợp tử vong mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ, tính đến sáng 30/1. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất cho đến nay. Trừ một trường hợp, tất cả ca tử vong này đều ở tỉnh Hồ Bắc.

Đến nay, số người tử vong vì virus corona mới, gây ra bệnh giống viêm phổi, là 170, toàn bộ đều ở Trung Quốc. Số ca bệnh mới được xác nhận ở nước này cũng tăng lên đến 7.771, trong khi 81.000 người khác đã được đưa vào diện theo dõi,, theo Ủy ban Y tế Quốc gia.

Số ca bệnh mới cũng đang tăng lên bên ngoài Trung Quốc. Nhật Bản đã ghi nhận 11 ca bệnh sau khi 3 công dân Nhật Bản, trong số hơn 200 người được sơ tán từ Vũ Hán bằng máy bay hôm 29/1, cho kết quả dương tính với virus.
 
-
Đồ họa: BBC.

Các quan chức Nhật Bản trước đó cũng xác nhận 2 trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính dù không đến Trung Quốc, làm tăng thêm sự lo lắng về việc lây nhiễm từ người sang người.

Ngoài ra, việc 2 trong số 3 trường hợp mới được xác nhận ở Nhật Bản không cho thấy bất cứ triệu chứng nào đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Hơn 200 công dân Mỹ, bao gồm viên chức ngoại giao, đã được đưa về Mỹ bằng máy bay. Khoảng 250 công dân Pháp và 100 công dân các nước châu Âu khác cũng sẽ rời Vũ Hán bằng hai máy bay của Pháp trong tuần này.

Trong khi đó, Australia có kế hoạch cách ly công dân được sơ tán từ Vũ Hán trên một hòn đảo. Một loạt chính phủ, bao gồm Mỹ, Anh và Đức đã khuyến cáo công dân không đi đến Trung Quốc trong thời gian này.

WHO có nâng cấp cảnh báo?

WHO đã bị chỉ trích sau khi không tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu vào tuần trước. Người đứng đầu cơ quan y tế toàn cầu, Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ sự hối tiếc về cái mà ông gọi là "lỗi của con người" trong đánh giá của WHO.

Ủy ban khẩn cấp của WHO họp trong ngày 30/1 để quyết định xem có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay không - việc có thể dẫn đến những hạn chế về du lịch hoặc thương mại.

"Cả thế giới cần phải hành động", Michael Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, nói với các phóng viên ở Geneva.

Trung Quốc cũng kêu gọi công dân của mình hoãn lại các chuyến đi nước ngoài, sau khi hơn 15 quốc gia xác nhận có ca bệnh.

Trong khi các nước sơ tán công dân của họ khỏi Vũ Hán, nơi virus lần đầu được phát hiện, lo ngại về tác động kinh tế đang tăng dần.

Các hãng hàng không lớn đã tạm dừng hoặc cắt giảm đường bay đến Trung Quốc, bao gồm British Airways của Anh, Lufthansa của Đức, KLM của Hà Lan, American Airlines và United của Mỹ.

Trường học trên toàn Trung Quốc bị đóng cửa trong khi chính phủ kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cho biết họ đã hoãn "mọi cấp và mọi loại hình thi đấu bóng đá trên cả nước", bao gồm cả giải Super League Trung Quốc hàng đầu, để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh.

Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota, tập đoàn nội thất Thụy Điển IKEA, tập đoàn công nghệ Foxconn, Starbucks, Tesla và McDonald's là những tập đoàn lớn lớn tạm thời đóng băng sản xuất hoặc đóng cửa số lượng lớn cửa hàng tại Trung Quốc.

Với vai trò "công xưởng thế giới", sự gián đoạn tại Trung Quốc có thể sẽ tác động mạnh đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu, làm sụt giảm lợi nhuận.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell nói dịch virus corona lần này mang đến nguy cơ mới cho nền kinh tế thế giới đang mong manh, cho biết ngân hàng trung ương Mỹ đang cảnh giác.

"Rõ ràng sẽ có những tác động ít nhất là trong tương lai gần đối với sản lượng hàng hóa của Trung Quốc và tôi nghĩ là cả một số nước láng giềng gần họ", ông Powell nói.

Dịch bệnh đã xuất hiện gần như ở mọi tỉnh thành của Trung Quốc, sau khi khu tự trị Tây Tạng ghi nhận trường hợp đầu tiên hôm 30/1.

Dịch bệnh đã gây ra nỗi sợ hãi một phần do những điểm tương đồng với Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) năm 2002-2003, cũng khởi phát ở Trung Quốc và cuối cùng làm thiệt mạng gần 800 người trên toàn thế giới.

Tác giả: Đông Phong

Nguồn tin: Zing News

 Tags: corona virus, wuhan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập680
  • Hôm nay38,203
  • Tháng hiện tại858,862
  • Tổng lượt truy cập56,960,499
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây