Tìm hiểu về FED: Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.

Thứ hai - 29/08/2011 11:38

-

-
Với một sự cách biệt về GDP quá xa như hiện nay giữa Hoa Kỳ ($12.4 ngàn tỉ) và Việt Nam ($51 tỉ) thì một hợp đồng kinh tế “nho nhỏ” của phía Hoa Kỳ dành cho Việt Nam cũng đã có thể mang lại một tỉ trọng quan trọng cho GDP Việt Nam.
Tìm hiểu về FED: Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (US Federal Reserve System)
 
 

Tổng hành dinh Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tại Washington,D.C
 
CƠ CẤU TỔ CHỨC
 
Hệ thống Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ được thành lập bởi Đạo Luật Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve Act) do Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 1913 và bắt đầu đi vào hoạt động năm 1914. Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, gọi tắt là “The Fed” là một tổ chức bao gồm một số cơ sở tài chánh trọng yếu của nhà nước và tư nhân. DTLB là một tổ chức độc lập, chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc Hội Hoa Kỳ và có nhiệm vụ phải điều trần định kỳ trước Ủy Ban Tài Chánh của Quốc Hội Hoa Kỳ. Cơ cấu tổ chức gồm các thành phần chính như sau:
 
- Ban Thống Đốc (Board of Governors)
- 12 Ngân hàng Dự Trữ Liên Bang (12 Federal Reserve Banks)
- Các Ngân Hàng thành viên (Member Banks)
- Ủy Ban Thị Trường Mở Rộng Liên Bang (Federal Open Market Committee)
- Các Hội Đồng Cố Vấn (Advisory Councils)
 
Ban Thống Đốc
 
Ban Thống Đốc là cơ quan đầu não của DTLB và đặt trụ sở tại Washington, D.C. Ban Thống Đốc gồm bảy thống đốc được bổ nhiệm bởi Tổng thống và thông qua bởi Quốc Hội Hoa Kỳ. Các thống đốc phục vụ nhiệm kỳ 14 năm và có thể được tái bổ nhiệm nếu nhiệm kỳ trước không phải là một nhiệm kỳ trọn vẹn. Các nhiệm kỳ chồng lên nhau để giữ tính liên tục và trung bình mỗi hai năm bổ nhiệm lại một vị. Chủ tịch và Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 4 năm, được chọn trong 7 vị Thống Đốc và có thể được tái bổ nhiệm. Đương kim Chủ tịch là Ben Bernanke, người đã kế vị Alan Greenspan vào ngày 01/01/2006. Alan Greenspan đã từng phục vụ ở chức Chủ tịch từ năm 1987.
 
Nhiệm vụ chung của Ban Thống Đốc là đề ra các chính sách tiền tệ, nghiên cứu phân tích các dữ kiện kinh tế và tài chánh quốc nội cũng như trên toàn thế giới. Ban Thống Đốc đồng thời giám sát tất cả các dịch vụ tài chánh, đặt một số điều lệ để bảo đảm lợi ích của người dân và tổng kiểm tra hệ thống chi trả trong toàn nước Mỹ.
 
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban Thống Đốc là tham gia với số phiếu quyết định (7 trên 12 thành viên) của Ủy ban Thị Trường Mở Rộng Liên Bang (Federal Open market Committee) là công cụ chính của DTLB nhằm điều hòa lãi suất.
 
Các Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang 
 
Ben Bernanke, đương kim chủ tịch Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ
Một hệ thống 12 Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang và 25 chi nhánh bao trùm lãnh thổ Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban Thống Đốc. Các ngân hàng này gồm: Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, Saint Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco.
 
Các Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang phục vụ các ngân hàng khác và Ngân Khố Hoa Kỳ là chính nên được mệnh danh là “ngân hàng của ngân hàng” (Banker’s bank). Hoạt động của các Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang gồm những công việc tồn trữ tiền mặt và quí kim, thực hiện thanh toán các chi trả bằng ngân phiếu và chuyển ngân tự động giữa các ngân hàng với nhau.
 
Theo lệnh của Ban Thống Đốc, các Ngân Hàng DTLB tiến hành mua hay bán các chứng khoán của nhà nước. Ngoài ra, các Ngân Hàng DTLB cũng tiến hành các cuộc nghiên cứu và theo dõi thường xuyên tình hình kinh tế chung của vùng được giao phụ trách.
 
Các Ngân Hàng Thành Viên
 
Hiện nay vào khoảng 38% các ngân hàng thương mại công và tư tại Hoa Kỳ là thành viên của hệ thống Dự Trữ Liên Bang. Tất cả các Ngân Hàng Quốc Gia (National Banks) đều là thành viên. Các ngân hàng được sự bảo trợ của chính phủ có thể tham gia nếu hội đủ một số điều kiện nào đó. Các ngân hàng thành viên là cổ đông của Ngân Hàng DTLB trong địa hạt của họ và vì vậy, buộc phải nộp 3% số vốn của họ dưới hình thức cổ phần trong các Ngân Hàng DTLB. Ngoài số lượng khoảng 3,000 ngân hàng thành viên còn có vào khoảng 17,000 các cơ sở tài chánh khác trong toàn nước Mỹ tuy không phải là thành viên nhưng vẫn phải tuân theo các điều lệ đặt ra của hệ thống Dự Trữ Liên Bang về một số mặt hoạt động, chẳng hạn như qui định phải ký quỹ một tỉ lệ phần trăm vốn hoạt động tại các Ngân Hàng DTLB (hiện nay là 10%).
 
Ủy Ban Thị Trường Mở Rộng Liên Bang 
 
Gọi tắt là FOMC (Federal Open Market Committee). Đây là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống DTLB. Bộ phận này có trách nhiệm nghiên cứu và đề ra chính sách tiền tệ để duy trì sự ổn định của giá cả và tăng triển của kinh tế.
 
Các thành viên bỏ phiếu (tổng cộng 12) của FOMC gồm 7 thống đốc của Ban Thống Đốc, chủ tịch Ngân Hàng DTLB New York và 4 chủ tịch các Ngân Hàng DTLB khác, được luân phiên làm thành viên có quyền bỏ phiếu. Tất cả các chủ tịch Ngân Hàng DTLB khác được quyền tham gia thảo luận tuy không được quyền bỏ phiếu. Chủ tịch Ban Thống Đốc chủ trì các buổi họp.
 
FOMC họp 8 lần mỗi năm tại Washington, D.C. trung bình mỗi một tháng rưỡi một lần để thảo luận về tình hình kinh tế của Hoa Kỳ và lựa chọn các biện pháp, chính sách tiền tệ thích hợp cho từng thời kỳ.
 
Các Hội Đồng Cố Vấn
 
Gồm ba Hội Đồng chính là Hội Đồng Cố Vấn Liên bang (Federal Advisory Council), Hội Đồng Cố Vấn của Người Tiêu Thụ (Consumer Advisory Council) và Hội Đồng Cố Vấn Các Cơ Sở Tiết Kiệm (Thrift Institutions Advisory Council). Thành viên của các Hội Đồng Cố Vấn này được lấy từ các ngân hàng thành viên của hệ thống DTLB, thông thường họp mỗi năm từ 2 đến 4 lần nhằm đề ra các ý kiến cố vấn cho Ban Thống Đốc. Các Hội Đồng Cố Vấn này đại diện cho tiếng nói của mọi thành phần có liên quan đến hoạt động tài chánh trong nước Hoa Kỳ.
 
NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG DỰ TRỮ LIÊN BANG
 
Mẫu tiền giấy $10,000
Hệ thống Dự Trữ Liên Bang hoạt động như một Ngân Hàng Trung Ương (Central Bank) và có nhiệm vụ chính là “Duy trì sự tăng triển kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp, ổn định giá cả để giữ sức mua của đồng dollar và giữ tỉ lệ các loại lãi suất ở mức vừa phải”. Nói tóm lại, là xây dựng một hệ thống ngân hàng vững chắc để yểm trợ cho một nền kinh tế lành mạnh.
 
Để thực hiện nhiệm vụ trên, DTLB hoạt động với các chức năng:
 
- Ngân hàng trung ương, còn gọi là “Ngân hàng của các ngân hàng”.
- Ngân hàng riêng của chính phủ.
- Điều chỉnh và giám sát các cơ sở tài chánh của toàn quốc.
- Quản lý các chính sách tiền tệ của nước Mỹ.
 
Hoạt động Ngân Hàng Trung Ương
 
Nhờ có khả năng phương tiện dồi dào, mỗi một Ngân Hàng DTLB trong số 12 Ngân Hàng DTLB toàn quốc cung cấp các dịch vụ tài chánh cho các cơ sở tài chánh trong vùng đảm trách tương tự như một ngân hàng bình thường cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình. Nói cho dễ hiểu, khách hàng của Ngân Hàng DTLB là các ngân hàng khác trong vùng. Điều này nhằm thống nhất và bảo đảm hiệu năng, an toàn của hệ thống chi trả, thanh toán tiến tệ trong toàn nước. Ví dụ, mỗi khi khách hàng lãnh tiền qua ngân phiếu hay thực hiện một dịch vụ chuyển ngân điện tử, thông thường thì Ngân Hàng DTLB sẽ thực hiện các công việc chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau.
 
Hoạt động Ngân Hàng cho chính phủ
 
Khách hàng lớn nhất và cũng tiêu xài nhiều nhất thế giới của DTLB là chính phủ Hoa Kỳ. Tương tự như bạn có một tài khoản trong ngân hàng, Ngân Khố Hoa Kỳ (US Treasury) cũng có một tài khoản riêng trong Ngân Hàng DTLB. Tất cả các nguồn thu nhập của chính phủ qua thuế má và tất cả các chi xài của chính phủ đều phải qua tài khoản này. Ngoài ra, Ngân Hàng DTLB bán ra và thu mua các loại công khố phiếu như Treasury Bills, Notes và Bonds theo thể thức đấu giá ngoài thị trường tự do.
 
DTLB cũng có nhiệm vụ phát hành tiền giấy và tiền kim loại. Thực tế thì Ngân Khố Hoa Kỳ sản xuất ra tiền tệ nhưng DTLB trực tiếp lưu hành tiền tệ cho các cơ sở tài chánh. DTLB còn có trách nhiệm phải theo dõi và kiểm soát tình trạng hư hỏng của tiền giấy và thu hồi, phá hủy và thay thế các tiền rách nát.
 
Hoạt động điều chỉnh và giám sát các cơ sở tài chánh toàn quốc
 
DTLB có trách nhiệm điều chỉnh và giám sát hoạt động của các cơ sở tài chánh trên toàn nước Mỹ. Điều này áp dụng cho tất cả các ngân hàng thành viên, các ngân hàng quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ, các hoạt động tại nước ngoài của các ngân hàng thành viên và các hoạt động trong nước Mỹ của các ngân hàng ngoại quốc.
 
DTLB cũng giúp bảo vệ quyền lợi của người dân bằng cách đề xuất và được Quốc Hội thông qua một số đạo luật như “The Truth in lending Act, Equal Credit Opportunity Act, Home Mortgage Disclosure Act, The Truth in Savings Act…” Các đạo luật này nhằm bảo vệ lợi ích của người dân khi phải sử dụng đến các dịch vụ ngân hàng như vay tiền mua nhà, mua xe v.v…
 
Một nhiệm vụ nhỏ nữa của DTLB là qui định hạn mức mà các nhà đầu tư có thể mượn qua các công ty môi giới chứng khoán để mua thêm cổ phiếu. Hiện nay, hạn mức này là 50%, có nghĩa là người đầu tư có thể mua số lượng cổ phiếu gấp đôi số tiền có sẵn, một nửa do mượn của công ty môi giới chứng khoán.
 
Hoạt động quản lý các chính sách tiền tệ
 
Đây là hoạt động quan trọng nhất của DTLB Hoa Kỳ. Các quyết định của DTLB luôn luôn có tầm ảnh hưởng sâu rộng không những cho nền kinh tế của riêng nước Mỹ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến kinh tế của toàn thế giới.
 
Nói một cách toàn diện, chính sách tiền tệ Hoa Kỳ liên quan đến những quyết định và hoạt động của DTLB nhằm tác động đến lưu lượng tiền và tín dụng trên thị trường nước Mỹ. Mọi sự thay đổi về lưu lượng tiền và tín dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất (còn gọi là chi phí vay mượn). Nói đơn giản, nếu lưu lượng tiền và tín dụng không đủ cho mọi người thì lẽ đương nhiên là chi phí vay mượn (lãi suất) phải tăng lên, và ngược lại cũng vậy, lưu lượng tiền và tín dụng quá dồi dào thì lãi suất phải hạ xuống mới có người vay mượn.
 
Từ khái niệm đó, DTLB có 3 biện pháp (hoặc vũ khí) chính để tác động đến chính sách tiền tệ sau đây:
 
- Hoạt động thị trường mở rộng (Open-market Operations). DTLB liên tục bán ra và thu vô các loại khố phiếu và chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ qua các Ngân Hàng DTLB trên toàn nước Mỹ. Chữ “thị trường mở rộng” ở đây có nghĩa là DTLB mua bán chứng khoán qua hình thức đấu giá trên thị trường tự do, không áp đặt và để cho qui luật kinh tế tự nhiên chi phối giá cả các chứng khoán.
 
Khi nào DTLB quyết định muốn hạ lãi suất, các Ngân Hàng DTLB sẽ tích cực thu mua các chứng khoán của chính phủ ngoài thị trường tự do và bơm vào một khối lượng tiền mặt và tín dụng quan trọng vào nền kinh tế cho đến khi nào lãi suất được giảm xuống tới mức mong muốn.

Ngược lại, khi muốn tăng lãi suất, các Ngân Hàng DTLB sẽ bán ra các chứng khoán của chính phủ và hút trở lại lưu lượng tiền và tín dụng. Dĩ nhiên khi càng bán ra nhiều, giá cả các chứng khoán sẽ giảm dần và hệ luận là lãi suất tăng dần lên.
 
Quyết định lãi suất ưu đãi. (Discount rate). Đây là lãi suất mà DTLB cho các ngân hàng thành viên được vay ngắn hạn qua đêm nhằm đáp ứng điều lệ phải ký quỹ 10% số vốn hoạt động. Mọi sự thay đổi của DTLB về lãi suất ưu đãi này dĩ nhiên sẽ tác động đến lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate) là lãi suất mà các Ngân hàng cho vay lẫn nhau qua đêm cũng để đáp ứng yêu cầu ký quỹ nói trên, bởi vì không phải ai cũng có thể mượn của DTLB một cách dễ dàng được. Cần phân biệt là lãi suất ưu đãi và lãi suất quỹ liên bang có liên quan mật thiết với nhau nhưng khác nhau ở điểm cơ bản là lãi suất ưu đãi do DTLB ấn định (thường thấp hơn một chút) trong khi lãi suất quỹ liên bang do qui luật kinh tế tự nhiên xác định.
 
Lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate) chính là lãi suất mà DTLB muốn đạt tới sau những kỳ họp của mình. Hiện nay đang ở mức 5.25%.
 
Ấn định tỉ lệ ký quỹ của các ngân hàng. Hiện nay là 10%, nghĩa là các ngân hàng phải ký quỹ vào trong kho của Ngân hàng DTLB một lượng tiền là 10% tổng số tiền thân chủ đã ký thác để bảo đảm khả năng chi trả cho thân chủ của mình. Tuy nhiên các ngân hàng nhỏ được miễn hoặc giảm tỉ lệ ký quỹ này. Thông thường các ngân hàng tận dụng nguồn vốn có trong tay nên đến giờ kiểm kê mới đi vay mượn để nộp quỹ DTLB và hôm sau thanh toán ngay. Từ đó mới có dịch vụ cho vay qua đêm (overnight lending) giữa các ngân hàng với nhau với lãi xuất gọi là “lãi xuất quỹ liên bang” (Federal funds rate).
 
Khi cần bơm thêm tiền vào hoạt động kinh tế, DTLB có thể giảm tỉ lệ ký quỹ này và ngược lại. Tuy nhiên đây là một biện pháp mà gần như DTLB chưa bao giờ phải sử dụng đến, ngoại trừ có thay đổi tầm cỡ của của ngân hàng được miễn giảm trách nhiệm này.
 
NHẬN XÉT CHUNG
 
Hệ thống Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ là một bộ phận vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của Hoa Kỳ nói riêng và của cả thế giới nói chung. Hệ thống này đóng một vai trò “cảnh sát” đối với toàn bộ dịch vụ tài chánh của nước Mỹ và đồng thời là một bộ phận đầu não đề ra những chính sách tài chánh nhằm bảo đảm một sự tăng triển vừa phải của nền kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp và duy trì lạm phát ở mức độ kiểm soát được.
 
Đối với các nền kinh tế đã phát triển thì vấn đề quan trọng nhất không phải là đẩy mạnh sự phát triển nữa mà là duy trì nền kinh tế ở mức độ không “nóng” quá và tránh được lạm phát. Kinh nghiệm đau thương từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã cho thấy nguyên nhân chính của khủng hoảng, cũng như của các thời kỳ suy thoái kinh tế là do yếu tố lạm phát đã vượt tầm kiểm soát.
 
Vì vậy, DTLB Hoa Kỳ theo dõi rất sát các chỉ số và dấu hiệu về lạm phát để có biện pháp thích ứng. Tuy nhiên vì mỗi một lần thay đổi lãi suất, hiệu quả chỉ có thể được biểu hiện từ 6 tháng đến một năm sau nên công tác của DTLB vô cùng khó khăn và đòi hỏi một sự am tường sâu rộng về kinh tế nói chung của các chuyên gia trong Ban Thống Đốc. Nhiều khi tăng lãi suất quá tay thay vì kềm hãm bớt kinh tế lại có kết quả tai hại là làm khựng sức phát triển và làm suy thoái nền kinh tế.

Điều cần nhấn mạnh là hoạt động của DTLB Hoa Kỳ nhằm phục vụ lợi ích chính của nền kinh tế Hoa Kỳ. Mọi hiệu quả đối với kinh tế thế giới chỉ là hậu quả gián tiếp của nền kinh tế Hoa Kỳ. Mô hình DTLB đã chứng tỏ sự thành công nhất định nên được áp dụng hầu hết trên các quốc gia đã phát triển.
 
Có một câu hỏi được đặt ra là đối với Việt Nam, một quốc gia mới được gia nhập WTO và trong tương lai gần sẽ được hưởng qui chế bình thường thương mãi vĩnh viễn với Hoa Kỳ (PNTR), liệu các quyết định của DTLB Hoa Kỳ có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam hay không?
 
Theo sự suy nghĩ thông thường thì khi đối tác Hoa Kỳ chủ trương khuyến khích hoạt động kinh tế bằng cách giảm lãi xuất thì dĩ nhiên các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ thuận lợi nhiều hơn để tham gia vào hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Ngoài ra, khi các Ngân hàng Hoa Kỳ được hoạt động chính thức tại Việt Nam và được quyền tài trợ những dự án liên doanh với Việt Nam thì lãi xuất thấp cũng là một điều kiện tốt để dự án dễ thành công hơn. Ngược lại khi Hoa Kỳ chủ trương kềm hãm hoạt động kinh tế trong nước Mỹ lại thì việc tăng lãi xuất sẽ làm giảm bớt các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Nhìn thoáng qua có vẻ như kinh tế Việt Nam sẽ phải lệ thuộc vào kinh tế Hoa Kỳ nhưng thực tế thì Việt Nam vẫn còn những đối tác khác ngoài Hoa Kỳ và vẫn có thể xoay sở khéo léo để tự phát triển được.
 
Một sự thật cũng cần phải công nhận là Hoa Kỳ là bạn hàng lớn nhất thế giới với một tiềm lực kinh tế khổng lồ, năng động và thoáng nên các quốc gia đã từng làm ăn hợp tác suông sẻ lâu dài với Hoa Kỳ đều trở nên những cường quốc về kinh tế sau một vài thập niên. Cụ thể là Châu âu và Nhật Bản trong công cuộc tái thiết sau đệ nhị thế chiến, các con rồng Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc trong những thập niên gần đây.
 
Như vậy thì sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Hoa Kỳ có nhiều mặt phải suy xét. Nó sẽ là một điều rất tốt nếu hai bên có sự thành tâm làm ăn lương thiện với nhau dựa trên căn bản hai bên cùng có lợi và trên căn bản pháp lý nghiêm chỉnh. Với một sự cách biệt về GDP quá xa như hiện nay giữa Hoa Kỳ ($12.4 ngàn tỉ) và Việt Nam ($51 tỉ) thì một hợp đồng kinh tế “nho nhỏ” của phía Hoa Kỳ dành cho Việt Nam cũng đã có thể mang lại một tỉ trọng quan trọng cho GDP Việt Nam.
 

Tác giả: Duyen Anh

 Tags: việt nam

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập622
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại927,251
  • Tổng lượt truy cập57,028,888
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây